Thứ Sáu, tháng 9 21, 2007

ALẾCHXANĐRƠ KRÔN
Dịch giả: Hoàng Hữu Phê
THAO THỨC
Tiểu thuyết

PHẦN I
I. NGƯỜI VIẾT NHỮNG DÒNG NÀY.
Tôi tỉnh dậy lúc nửa đêm, bị đánh thức bởi một linh cảm mơ hồ. Những ai quen thức giấc một phút trước khi chuông đồng hồ réo và những người lính cũ đã từng ngủ gật khi đợi hiệu lệnh tấn công sẽ hiểu điều tôi nói. Tôi tỉnh dậy với ý nghĩ về Uxpenxki. Có lẽ không phải ý nghĩ mà chỉ là một hình ảnh thoáng qua. Tôi nhìn thấy ông trong một khoảnh khắc thôi nhưng rõ nét như dưới ánh chớp. Khuôn mặt người thầy của tôi, nhợt nhạt mặc dù rám nắng mùa đông, có một vẻ đăm chiêu và buồn bã. Tôi nhớ ông như thế trong dịp lễ kỷ niệm sinh nhật ông năm ngoái. Ông đứng sát mép ngoài bục Chủ tịch đoàn, cao vượt hẳn những nhân vật long trọng đứng ở các hàng đầu, tầm vóc to lớn và cân đối như thanh niên, đôi mắt trống rỗng không nhìn vào hội trường đèn chiếu sáng rực mà lại hướng vào đâu đấy, nơi trong chiều sâu mờ tối của các ban công, lấp lánh ánh đèn mầu ngọc đỏ chỉ các lối thoát phụ. Ông đứng bất động, và chỉ khi một tràng vỗ tay nữa dậy lên, ông mới như bừng tỉnh, chậm chạp và nghiêm nghị khẽ cúi mái đầu bạc tuyệt đẹp của mình xuống. Lúc bấy giờ nhiều người cho đó là sự kiêu căng... Để khỏi chói mắt, tôi không bật đèn mà chỉ mở rađio, và trong ánh sáng yếu ớt của băng sóng, nhìn vào đồng hồ. Đã hai giờ hai phút. Tôi trở mình qua phía khác, và vừa định bụng phải ngủ lại bằng bất cứ gái nào thì bỗng nhiên phải bật dậy vì một thứ tiếng ồn tệ hại. Đang ngái ngủ, tôi đã quên không tắt rađio, và những bóng điện tử vừa kịp nóng lên đã ném vào tôi một tràng vỗ tay như sấm rền. Tôi có những lý do để không thích nghe hoan hô, nhưng đến những tràng vỗ tay vào lúc hai ba giờ sáng thì có thể làm cho bất cứ ai cũng phát khùng lên được. Giấc ngủ biến đâu mất, và, cảm thấy nỗi lo âu cũng như cảm giác cô đơn cứ mỗi lúc một tăng, tôi hiểu rằng mình sẽ phải thao thức trọn đêm nay. Người cha quá cố của tôi, một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, sinh thời là một bác sĩ học rộng, đã kịp truyền cho tôi một số nguyên tắc vệ sinh, trong đó có sự tẩy chay dứt khoát đối với thuốc ngủ. Ông thường mỉa mai rằng giấc ngủ nhân tạo cũng chỉ là một thứ đồ giả như cái chân gỗ thôi: Những khi không ngủ được, ông đứng dậy, khoác chiếc áo choàng Bukhara và đến bên bàn viết. Những gì ông làm ban đêm thường rất ít khi là sự tiếp nối công việc ban ngày. Ban đêm ông ghi chép gì đấy, dịch sách báo từ tiếng Đức, và có một thời thậm chí còn viết tiểu thuyết xã hội viễn tưởng. Những ghi chép này củ cha tôi, một phần mất mát trong những cuộc di chuyển, một phần bị giữ lại khi cha tôi bị lục soát ở biên giới, đã không còn nguyên vẹn, quyển tiểu thuyết vẫn hãy còn bỏ dở. Ông thường nói rằng vào những giờ đêm, đúng hơn là lúc gần sáng, bộ óc người ta, mặc dù mệt mỏi, vẫn làm việc một cách độc lập nhất, những lúc này nó hoàn toàn không phụ thuộc vào áp lực bên ngoài. Cha tôi cho rằng chính phần lớn các huyền thoại và những suy nghĩ dập khuôn lại thường được phát sinh vào ban ngày. Từ lúc nào đấy không biết, tôi bắt đầu học theo cha tôi, và dấu vết rõ ràng của những giờ đêm lục đục không ngủ được ấy là một vài giấy tờ riêng tư, chỉ có liên hệ xa xôi với công việc tôi tiến hành trong phòng thí nghiệm. Khoảng gần bảy giờ, tôi kéo rèm che cửa sổ, nằm xuống giường và chắc là sẽ ngủ được đến mười một giờ, nhưng lúc chín giờ một tiếng chuông lảnh lót, gián đọan và kiên nhẫn buộc tôi phải nhổm ngay dậy. Chỉ người nào muốn và có quyền đánh thức mới gọi chuông được như vậy. " Uxpen xki vừa chết hôm nay, vào lúc 2 giờ sáng. Yêu cầu anh đừng đến và cũng đừng gọi điện, tôi sẽ gọi cho anh trước. Tôi cần lời khuyên của anh, và có thể cả sự giúp đỡ nữa.
Bêta
T.B. " Xin đừng gửi điện chia buồn" . Mẩu thứ 2 viết trên một phiếu bưu điện in sẵn. "Ôlếch Antônôvích thân mến! Tôi gửi cho anh mấy chữ của Bêta. cô ấy choáng váng, nhưng chiụ đựng tai họa với một sự can đảm đến ngạc nhiên. kết luận y khoa còn chưa có, nhưng người ta nghĩ rằng đấy là nhồi máu cơ tim. Bây giờ anh chưa cần phải đến. Tôi ở trong viện không thò mặt ra ngoài lấy một phút. Gọi điện cho tôi lúc nào cũng được.
O.S. của anh, "
O.S. nghĩa là Ônga Sêlêpôva, thư ký của Uxpenxki. Phong bì mầu trắng, dầy dặn, có tiêu đề của viện chúng tôi. Tôi xoay xoay nó trong tay, vò nát và vứt đi nghĩa là thừa nhận và bỏ qua. Có một ít logích trong chuyện này, nhưng không nên quá cường điệu vị trí của lôgích trong cách xử sự hàng ngày. Khi người ta hỏi tôi có tin ở thần giao cách cảm hay không, tôi thường trả lời bằng một câu đùa, Tôi nói rằng có thể tin vào các đấng thiêng liêng; nhưng không cần tin bản cửu chương mà phải thuộc nó. Câu trả lời tất nhiên là không được nghiêm túc. Mọi nghiên cứu trong khoa học đều dựa trên một giả thiết nào đấy, hoặc thậm chí một chuỗi các giả thiết, và người ta có thể tin hoặc không tin vào giả thiết, nói một cách nghiêm túc thì hoàn toàn có thể hình dung được sự tồn tại những tính chất ta chưa hề biết đến của vật chất, và điều này có thể giaỉ thích được cho hiệu ứng điện sinh học. Ít ra thì tôi cũng không biết một định luật tự nhiên nào phủ định sự tồn tại của hiệu ứng này như một giả thiết trong nghiên cứu. Một sự thật không thể chối cãi được, là tôi tỉnh dậy với ý nghĩ về Uxpenxki đúng lúc ông ta hấp hối, cũng không chứng minh được điều gì hơn. Tôi chỉ thấy hơi rợn trong một thoáng. Như thế là vào hai giờ hôm nay... Hôm qua, lúc hai giờ sáng, tôi và Paven Đuxitrievich Uxpenxki hãy còn lang thang trên những phố Pari ban đêm và sáng hôm đó, duỗi đôi chân mỏi nhừ, chúng tôi ngủ gật trong khoang máy bay, sau đó cùng đi ô tô từ sân bay Vucôvô về nhà và chào nhau một cách chiếu lệ, như những người sẽ gặp lại nhau ngay và còn đủ chán thời gian để nói về trăm thứ chuyện. Nhưng thế là ông ta không còn nữa, và tôi phải tự điều chỉnh tâm trạng của mình cho phù hợp với hiện thực mới này. Nhận thức con người nói chung là bảo thủ, những điều như thế không dễ gì làm được ngay. - Ông có đến đấy không? Tôi có xe đây, có thể chở ông đi. Giọng nói già nua, khô cứng như thủy tinh. Đấy là cụ Antônhêvích, cựu binh của Viện chúng tôi. Tôi chợt nhớ phải đỡ cụ ngồi xuống, chẳng gì cũng một bậc bô lão tròn tám mươi. Cụ già kiên quyết từ chối, và lúc này tôi mới nhớ lại rằng đã ba mươi năm nay từ ngày biết cụ đến giờ, chưa bao giờ tôi thấy cụ ngồi. Cụ già không cao lớn nhưng rắn rỏi lạ thường, với đôi tay cứng như sắt của mình, cụ thường được người ta gọi luôn, khi thì cần vặn vòi nước nóng quá chặt, khi thì gỡ một khung cửa sổ mục. cái trán hói nhẵn bóng của cụ như tỏa ra ý thức về một sự bền vững không gì lay chuyển nổi, trên khuôn mặt cạo nhẵn nhụi với chiếc mũi diều hâu và đôi mắt thâm trầm không có lấy một nếp nhăn. Tôi nhìn kỹ khuôn mặt lạnh lùng như của một pho tượng La Mã ấy mà không tìm thấy một dấu vết kinh động nào, thế mà trong nhiều năm, Uxpenxki đối với cụ là uy tín duy nhất, đồng thời là người bạn, người nâng đỡ và cũng là đối tượng của sự chăm sóc không mệt mỏi. Điều đó là gì? Bản năng tự vệ lứa tuổi, một khả năng kỳ lạ và chưa được nghiên cứu kỹ của các cụ già dùng để đẩy lùi ý nghĩ về cái chết? Có thể là thế, nhưng chưa bao giờ tôi dám hỏi chuyện cụ già, mặc dù chắc chắn rằng cụ biết nhiều điều hơn tôi. Những điều cụ thể chẳng hề thay đổi tình thế chút nào. - Tôi không đi, cụ Antônhêvich ạ. - Không đi thì cũng viết cho người ta vài chữ chứ. Tôi thuyết phục được cụ già ngồi xuống, và ngược với sự cấm đoán, tôi bắt đầu sáng tác bức điện. Chỉ sau khi rạch nát mấy tờ giấy mà không viết nổi lấy một chữ, tôi mới hiểu Bêta thông minh đến nhường nào. Cô đoán ra rằng trong quan hệ hết sức phức tạp gắn bó ba chúng tôi, không thể tìm được những lời nào để chúng không trở nên giả tạo hoặc không gây tổn thương cho mỗi người. Những câu kiểu như " đau đớn sâu sắc" hoặc " thông cảm với tất cả tấm lòng" không thể nào diễn tả được quan hệ thật sự của tôi đối với cô, cũng như đối với người mà tôi lúc thì yêu quý, lúc lại căm thù, người đã dìu dắt tôi trở thành nhà bác học và cướp mất người đàn bà mà tôi yêu dấu, người đã nhiều lần phản bội tôi và cũng bấy nhiêu lần cứu tôi khỏi cơn nguy hiểm... Những lời ấy không diễn tả được gì, nghĩa là chúng chỉ có thể lừa dối.
Cụ Antônhêvích đi khỏi. Nhìn ánh mắt trách móc của cụ, tôi hiểu rằng cụ rất không bằng lòng về tôi. Vài phút trôi qua, đứng ở cửa sổ, tôi nhìn thấy cụ bước đến chiếc ô tô ZIM cũ kỹ của Viện, Iura, tài xế của Uxpenxki mở cửa, cụ già cúi người ngồi xuống cạnh anh ta. Khoảng cách làm nổi rõ đặc tính của dáng người, bây giờ tôi mới thấy được những gì lúc ở gần tôi đã bỏ qua. ông cụ trông già nua và đau khổ bao nhiêu!
Thế là Paven Đmitrievich Uxpenxki đã từ trần ở tuổi sáu mươi hai. Ông là một nhà bác học và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng đã đạt đến tất cả những vinh quang mà một bác học có thể có và hoàn toàn xứng đáng với những vinh quang ấy. Một nhà sinh lý học có ảnh hưởng rất lớn trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển bản thể ( ontogènes) ở Liên Xô và trên thế giới, một người đàn ông đẹp trai cho đến trước lúc chết vẫn giữ được giọng nói âm vang và dáng đi nhanh nhẹn. Ông là ca sĩ, người ham mê khiêu vũ, hết sức phóng khoáng trong công việc cũng như khi chơi bời, người có khả năng thuyết phục từ các viên chức hoài nghi trong các Bộ cho đến các giáo sư Cambridge cứng nhắc. Ông có thể uống rượu với những tay làm công nhật dựng nhà nuôi vật thí nghiệm cho Viện, lại đã từng nổi lên trong các cuộc họp báo như một ngôi sao sáng. Cái chết của ông là một tổn thất lớn lao không những cho người thân và bạn bè mà còn cho cả nền khoa học, và trước hết là cho Viện ông đứng đầu. cái chết này, không nghi ngờ gì nữa, sẽ kéo theo nó rất nhiều rung chuyển và đổi thay.
Tôi lúc nào cũng thú vị với danh hiệu " người viết những dòng này". Không hiểu sao tôi thường hình dung người viết là một kẻ gầy guộc sợ hãi ngấp nghé sau những dòng chữ ken đầy như cọc rào vót nhọn, một trong những hình nhân khôi hài, bây giờ người ta hay vẽ trên lề những tạp chí phổ biến khoa học. Nhưng chẳng trốn đi đâu được nữa, người viết những dòng này đã đến lúc phải ra mắt với độc giả giả định. Tôi gọi độc giả là giả định vì người viết những dòng này định viết một cuốn sách hoàn toàn khác, những dòng này được sinh ra hoàn toàn không phải do " cái nhọt văn chương" mà là do những đêm không ngủ được, chúng được viết ra không theo một đề cương nào cả, người viết không có khái niệm rằng ai sẽ là người đọc chúng và nói chung là người liệu có đọc hay không? Người viết những dòng này thậm chí đã tìm cách tự thuyết phục rằng làm thế, hoàn toàn để thỏa mãn cá nhân, nhưng rồi đã nhanh chóng hiểu rằng mình vờ vịt đấy thôi. Người nào viết cho riêng mình mà không hề quan tâm đến chuyện người khác có hiểu mình hay không thì anh ta chỉ cần hiểu mật mã riêng là đủ. Và có hay chăng, trong lập luận " tôi viết cho riêng tôi" một mâu thuẫn căn bản nào đó. Chúng ta bao giờ cũng viết hoặc nói cho một ai đấy, và chẳng lẽ " viết cho riêng tôi" laị không điên rồ giống như việc diễn thuyết trong một gian phòng không người?
Bởi thế để khỏi phải đánh đố nhau, cho phép tôi tự giới thiệu : Alếch Anlenôvich Yuđin bốn mươi chín tuổi, tiến sĩ sinh vật học, chủ nhiệm phòng thí nghiệm của một Viện nghiên cứu nào đấy, để cho vắn tắt ta gọi Viện phát triển bản thể (ontogénes). Đầu tháng tư năm nay (1957) người viết những dòng này đã thỏa thuận với ban lãnh đạo Viện về việc nghỉ ba tháng để hoàn thành một chuyên luận khoa học bỏ dở đã lâu. Công trình này nghiên cứu một vài vấn đề cấp bách của sinh lý học lứa tuổi và kết quả công việc nhiều năm của phòng thí nghiệm chúng tôi, chỉ có các chuyên gia mới hiểu được.
Tôi không biết người ta viết truyện và tiểu thuyết như thế nào, còn các chuyên luận khoa học thì được tạo ra trong phòng thí nghiệm sự tích lũy và khái quát các sự kiện tiến hành song song, và đến lúc người nghiên cứu ngồi vào bàn viết, nhiệm vụ của anh ta là phân bố tài liệu sao cho chúng được lĩnh hội một cách dễ dàng nhất. Khả năng viết theo tôi , phụ thuộc trực tiếp vào khả năng tư duy, và tôi không thể tưởng tượng được rằng một bác học chân chính lại phải nhờ sự giúp đỡ bên ngoài để diễn đạt được rành mạch những điều thường là ít ỏi mà trước đó chưa ai biết. Bởi vậy với một kỷ luật tự giác nào đó và nếu không có sự quấy rầy trực tiếp , ba tháng chắn chắn phải đủ để tôi hoàn thành chuyên luận này. Từ lúc nào đấy tôi bắt đầu cảm thấy tuổi tác của mình và bắt đầu nhạy cảm với bước đi của thời gian. Tôi không sợ chết mà chỉ sợ tuổi già. Còn lâu tôi mới già, tôi không có bệnh tật gì, và dưới bề ngoaì tưởng chừng mảnh khảnh, cơ thể tôi còn khá cường tráng. Trong tàu điện ngầm, đến bây giờ người ta vẫn còn gọi tôi là "anh" và tôi không nhớ một trường hợp nào có ai nhường chỗ cho tôi ngồi. So với hồi ba mươi, tôi không nhận thấy những thay đổi tuổi tác đáng kể nào. Ở một chừng mực nào đấy tôi giữ được như bây giờ nhờ có một chế độ ổn định trong nhiều năm, tôi không coi đó là bí mật và thường làm cho những kẻ muốn chiếm lĩnh bí quyết trẻ lâu phải thất vọng. Chẳng có gì mới. Xen kẽ đúng lúc lao động và nghỉ ngơi, thể dục buổi sáng, đi bách bộ, trượt tuyết mùa đông, chế độ ăn uống vừa phải, chỉ uống thuốc khi cần thiết, thỉnh thoảng mới uống rượu và ở chừng mực tượng trưng. nếu như thêm vào là từ năm bốn nhăm đến giờ tôi không hút một điếu thuốc nào, thì có lẽ đó là tất cả những gì tôi đã mang lại cho tôi cái dáng thể thao mà mọi người cho rằng đáng ghen tỵ. Lĩnh vực duy nhất tôi cảm thấy bị suy thoái, đó là trí nhớ từng được coi là thần kỳ của tôi. Nhờ nó tôi có thể tiếp thu dễ dàng nhiều kiến thức trong đó có nhiều thứ vô dụng, tự học được ba thứ tiếng Châu Âu, có thể nhẩm được những phép tính khá phức tạp và chơi cờ mà không nhìn vào bàn. Những cái đó bây giờ tôi vẫn làm được, nhưng khó trí nhớ của tôi đã ngập đầy, tôi trở nên khó nhớ và dễ quên. Thời xưa tôi hay khinh thường những loại sổ ghi chép. Bây giờ thì tôi đã có hẳn một thư mục cho những điều cần nhớ. Hồi còn trẻ tôi phung phí thời gian không hề suy tính. Bây giờ khi người ta mời tôi dự một cuộc họp không cần kíp lắm hoặc đọc một cuốn sách tầm tầm, tôi thường thoái thác bằng một câu đùa " chả còn sống được mấy cả" nhưng có lẽ ít ai hiểu rằng trong câu ấy tôi chả muốn đùa tí nào.
Tôi cần phải làm kịp nhiều việc khi hãy còn khỏe mạnh, chưa bị xơ cứng. Tôi kinh hoàng khi nghĩ rằng, bao nhiêu thời gian cần thiết cho công việc nghiên cứu nghiêm túc tôi đã bỏ phí vì nhiều lý do khác nhau. Chỉ cần kể ra ba trong số đó - Chiến tranh, đám cưới, bất hạnh và một thời kỳ u ám đối với Viện chúng tôi, khi trong sinh vật học, những phong cách và phương pháp của chủ nghĩa ý chí sau đó bị lên án, lúc bấy giờ đang chiếm vai trò chủ đạo. Tuy nhiên sẽ không đúng nếu nói rằng những năm tháng ấy đã trôi qua không dấu vết và vô ích đối với tôi, cuộc sống bao giờ cũng dạy cho ta một cái gì đấy, mất cái này , mất cái này ta thể nào cũng nhận được cái khác, và chỉ cách đây hoàn toàn không lâu tôi mới hiểu được rằng những năm trong quân ngũ đã có ích biết bao cho tôi trong công việc. Nhưng cần phải vội vã, ý nghĩ này buộc tôi phải có tính tổ chức chặt chẽ hơn và tôi chỉ nhân nhượng cho mình đúng cái mức cần thiết cho sự phục hồi những tiêu hao năng lượng.
sau khi suy tính, tôi quyết định không rời mat-xcơva đi đâu cả, tôi sống trong khu mới xây dựng và chỉ cần đi bộ mười phút là đến được nơi có hồ nước và rừng cây, tôi có một căn hộ một phòng trên tầng thứ tám của một ngôi nhà bảy tầng (thế đấy), trong nhà tôi có đài điện và tủ lạnh, cứ hai ngày một lần, thần hộ mệnh đóng vai bà coi thang máy Evghenhia Llinbisna lại đến viếng thăm tệ xá của tôi, tôi không có điện thoại, cũng như vô tuyến truyền hình - những thứ ngốn thời gian nhiều nhất. Một tháp ngà thực thụ, như thể cố tình tạo ra để ẩn náu và suy tư. Không gì buồn bã hơn nỗi cô đơn, nhưng đôi khi người ta cần sự ẩn náu, tôi thành thật tiếc cho những ai không có nó và nghi ngờ những người không cần đến nó Tôi đã cho rằng mình được bảo vệ chắc chắn, chống mọi quấy rối và cám dỗ, nhưng không lường hết được mọi việc. Tôi vừa bày giấy má ra bàn thì ô tô của Viện đã đến đón tôi. Cậu lái xe Iura cũng không giải thích được gì hơn, chỉ nói là rất cần. Tôi vừa đi vừa giận dữ, sẵn sàng dùng mọi cách bảo vệ kỳ được ba tháng làm việc ở nhà đã khó khăn đến thế mới giành giật được, nhưng đã nóng nảy vô ích - một chuyến công tác nước ngoài đang đợi tôi. Chúng tôi nhận được giấy mời đến dự phiên họp bàn về các vấn đề tổ chức của " L' Institut de la Vie" (1) một hiệp hội quốc tế của nhà bác học, có những nhiệm vụ không rõ ràng, nhưng cao thượng: và Uxpenxki đề nghị tôi đến Pari với ông trong tư cách thành viên của Đoàn đại biểu đồng thời là phiên dịch. Đề nghị của Uxpenxki đối với tôi vừa bất ngờ vừa thú vị vì nhiều nguyên nhân. Tôi vẫn thường xuyên liên lạc thư từ với các hội khoa học nước ngoài, một số công trình của tôi được in lại trong các tạp chí phương Tây nhưng bản thân tôi, nếu không kể mùa xuân năm bốn nhăm, thì chưa bao giờ ra nước ngoài. Nguyên nhân thứ hai không kém phần quan trọng: Tôi sinh ra tại thành phố Pari, tôi ra đời và sống ở đây cho đến bốn tuổi. Ở Pari trong nghĩa địa Pie la sedơ mẹ tôi đã được an táng. Tôi hầu như không nhớ mặt mẹ và nói chung, quãng đời Pari chỉ để lại trong tôi những hồi ức lờ mờ, nhưng đến bây giờ, khi đã bốn chín tuổi, tôi bỗng nhiên ao ước được đi dạo phố nhỏ Bidê lặng lẽ, tìm về ngôi nhà cũ, nhìn vào chiếc sân trong, nơi trí nhớ trẻ thơ dai dẳng sẽ giúp tôi đoán đúng những ô cửa sổ nhà chúng tôi ở cũ, hai ô cửa xanh xanh ở tầng ba, sau đó tôi sẽ ra nghĩa địa tìm mộ mẹ.
Toàn chuyến công tác cộng với thời gian đi về chỉ chiếm có 4 ngày, nhưng cùng với việc chạy thủ tục và chuẩn bị , tôi mất đứt một tuần lễ. Tôi trở về đầy ứ những ấn tượng và rất mệt, đêm cuối cùng ở Pari tôi hầu như không hề chợp mắt và rất hy vọng sẽ được ngủ bù ở nhà. Viện phó Anmazốp đón chúng tôi tại sân bay Vnucôvô và để không phải đến Viện, tôi đẩy cho ông tất cả tài liệu báo cáo. Dọc đường Anmazốp kể về những tin tức mới trong Viện nhưng Uxpenxki nghe ông ta có vẻ lơ đãng, với thái độ sốt ruột rất quen thuộc đối với tôi, thần sắc của ông không được khỏe nhưng tôi không nhận thấy điều gì đáng lo ngại. Người ta chở tôi đến bốn tacxi, và chỉ hai mươi phút sau tôi đã ở nhà. Tôi gặp lại nhà mình xếp dọn hết sức cẩn thận, chăn đệm mới tinh, con vẹt nuôi Mamađu được cho ăn uống chu đáo, và nhìn vào tủ lạnh, tôi hiểu rằng nó cũng không bị lãng quên, thần hộ mệnh của tôi chăm mom moị thứ không chê vào đâu được. Tôi cho Mamađu ra khỏi chuồng và một cuộc gặp mặt cảm động đã diễn ra. Mamađu không biết nói (chắc là tôi đã không chiụ nổi một con vẹt nói tiếng người) nhưng tôi thích nghe tiếng kêu líu ríu của nó, và nói chung chúng tôi hoàn toàn hiểu nhau. Người ta bảo rằng Paplốp rất giận khi các nhân viên của ông nói về súc vật như thể nó cũng yêu, hiểu biết hoặc buồn bã, vv... Đối với ông đó là sự phản bội thuyết phản xạ có điều kiện. Ở phòng thí nghiệm tôi hoàn toàn tán thành quan điểm của ông, nhưng ở nhà tôi cho phép mình tự an ủi bằng một ảo giác vô tội, rằng Mamađu quả thực mến tôi, buồn bã khi tôi vắng nhà và vui mừng khi gặp lại tôi. Tôi vừa ăn cơm vừa nói chuyện với Mamađu rồi sau đó thoải mái ngả người vào nệm, đọc lướt tờ báo và nghe nhạc - trên dải sóng cực ngắn người ta truyền các tiết mục của các danh ca cổ điển Ý, Vivanđi và chắc là cả Coreli... Một lúc sau tôi thiếp ngủ với hy vọng sẽ trở dậy lúc bảy giờ sáng để bắt đầu cuộc sống lao động đều đặn. Song , như các bạn đã biết, chương trình của tôi đã bị phá vỡ một cách bất ngờ. Tôi biết cách tự bắt mình làm việc, và ngay cả đêm mất ngủ cũngkhông làm tôi phải bỏ dở kế hoạch trong ngày. Buổi chiều tôi đọc lại " tác phẩm" của mình và càng khẳng định thêm tính đúng đắn của học thuyết Ukhtômxki về yếu tố chủ đạo (dominantes): Những gì tôi viết trong ngày tỏ ra hoàn toàn vô dụng. Dù tôi cố gắng thế nào đi nữa để tập trung tư tưởng nghĩ về một đợt thí nghiệm chúng tôi đã tiến hành, tôi vẫn cứ phải nghĩ về chuyện khác: Nghĩ về Bêta. Suốt ngày thì không sao rời bỏ được ý muốn vứt tất cả mọi việc, tóm lấy một chiếc tacxi nào đấy và không cần báo trước, xông thẳng vào căn nhà lớn không chút ấm cúng ấy, nơi tôi không hề tới suốt mấy năm sau chiến tranh. Nhưng sự ngăn cấm vẫn có tác dụng, và tôi không đi đâu cả. Rồi khi đêm đến, tôi hiểu rằng mình sẽ lại phải thức trắng. Ở phòng thí nghiệm của mình, tôi có thể bỏ ra hằng giờ đợi kết quả của một thí nghiệm chuẩn bị chu đáo, nhưng trong cuộc đời, tôi hết sức kém kiên nhẫn. Không gì nặng nề hơn đợi bình minh lên trong những đêm như thế này. Ngoài cửa sổ màn đêm màu mực thẫm. Từ trên cao tôi nghé nhìn xuống khung cảnh quen thuộc. Những cây bạch dương nghiêng nghiêng và ngôi nhà gỗ được bao quanh bằng một hàng rào đổ nát. Ngôi nhà ngoại ô điển hình, nửa có vẻ nông thôn, với chuồng gà bằng gỗ dán và những bụi phúc bồn tử già cỗi trơ trụi. Ngôi nhà trông có vẻ ọp ẹp và không chút mời mọc trên nền khu nhiều tầng mới xây đồng loạt bằng khối lớn. Màn đêm ngoài cửa sổ nhợt đi một cách chậm chạp, nhìn cảnh này cũng sốt ruột như khi rửa chiếc bút máy cũ , mực xanh cứ thôi mãi ra tưởng không bao giờ hết. Tất nhiên, tôi nghĩ về Uxpenxki. Những ý nghĩ cũng mờ mịt như tình cảm của tôi. Ở tuyến tiền duyên ngoài mặt trận tôi đã thấy nhiều chiến sĩ bị thương nặng. Họ không cảm thấy đau. Còn chưa kịp cảm thấy đau. Trong mắt mỗi người là một nỗi sửng sốt ngưng đọng. Tôi cũng đang cảm thấy một cái gì gần như sửng sốt. Sửng sốt, choáng váng...Có một thời nào đấy ở nước Nga cổ xưa, những từ ấy từng có nghĩa đen của nó: nên một đòn choáng váng vào mũ sắt, tra khảo đến sửng sốt ngây dại...Tôi cố gắng lý giải cho mình cái chết đột ngột này. Nó đã được ném lên đầu những ai từng gắn bó với người quá cố bằng hàng chục năm cùng công tác, bằng tình bạn, tình yêu... Trộn lẫn với nỗi đau đớn của tôi là một mối quan tâm thuần túy chuyên môn. Một trong những vấn đề phải bàn cãi nhiều nhất của sinh lý học là ranh giới giữa sự phát triển bình thường và sự phát triển bệnh lý của cơ thể. Uxpenxki có bị ốm hay không, và ít ra là ông có bị ốm đến mức cái chết là hậu quả tất nhiên của bệnh tật hay không? Vấn đề thứ hai, mãi đến bây giờ vẫn chưa giaỉ quyết được, lại gần với chuyên môn hẹp của tôi hơn - Đó là, vai trò của mật mã di truyền và của ngôi trường bên ngoài trong việc xác định tuổi cho con người . Những vấn đề này liên hệ trực tiếp với đề tài chuyên luận của tôi, trong đó tôi là một trong những người đầu tiên đưa ra khái niệm về độ tin cậy của cơ thể con người, và tôi hơi ngượng vì chúng làm tôi hết sức quan tâm - Nói cho cùng thì việc ông chết do cái gì không phải là điều quan trọng lắm, đáng nói hơn là những gì bây giờ đang đến với bêta, cô chắc cũng không ngủ, nằm trong phòng mình với hai mắt mở to hoặc đi lang thang trong căn nhà rộng đến mức không cần thiết và bỗng nhiên trở nên trống rỗng, hoặc đang ngồi trong phòng làm việc của Uxpenxki, trước chiếc bàn viết với những ngăn kéo bị rút tung ra để lục lọi giấy tờ và thư từ. Tôi kéo rèm che cửa, đi đến bên bàn viết và thọc tay vào ngăn kéo bí mật. Từ ngày tôi với Liđa bỏ nhau, không cần phải có chỗ cất giấu bí mật nữa, nhưng tôi vẫn giữ như cũ trong ngăn này một ít thư từ còn lại của Bêta, trong số đó có mẩu thư cuối cùng. Tôi nói một ít, vì toàn bộ thư từ trong những năm chiến tranh tôi đã đốt hết ở Berlin. Tôi đọc lại những lá thư ngắn ngủi ấy. Chúng rất trung tính, nhưng dù sao thì cũng hoàn toàn không giống của một ai. Tôi cố gắng tìm giữa các dòng một hàm ý nào đấy ngoài những điều đã viết, nhưng vô ích, chúng chỉ nói về những điều đang nói. Sau đó tôi lại kéo rèm. Màn đêm màu mực có nhạt đi chút ít, nhưng mặt trời hãy còn lâu mới mọc. Ngôi nhà tôi đang ở bắt đầu xây dựng từ trước chiến tranh và mới chỉ được hoàn thành cách đây không lâu. Trong toàn khu không tìm đâu ra một ngôi nhà thứ hai giống thế. Căn hộ tôi ở cũng thuộc loại độc nhất vô nhị và trông giống một xưởng họa hơn là diện tích ở. Dù danh chính ngôn thuận, nó chỉ có một buồng nhưng lại kéo từ tây - nam đến đông - bắc. Cửa sổ bán nguyệt của phòng tôi kết thúc phần trên của mặt chính và cửa bếp quay vào sân trong. Giữa phòng ở và bếp có một khoảng tối không có cửa sổ mà ông trưởng nhà gọi là "phòng đợi", còn epghênhia Dinbisnathì lại gọi là "phòng thượng". Cửa buồng tắm và phòng vệ sinh mở vào đây , ngay tại đấy có một phòng đệm tí xíu " phòng thượng" được gọi là diện tích phụ trợ nhưng không có nó thì tôi gay go to, tôi có vài ngàn cuốn sách, một kho tài liệu lưu trữ lớn, rồi thư mục, tủ lạnh và bàn ăn cũng đặt chỗ này. Đây cũng là nơi tôi tiếp những khách khứa ít ỏi của mình, còn trong phòng ở tôi chỉ ngủ và làm việc. Im lặng hoàn toàn, hàng xóm không có một ai, thang máy chỉ lên đến tầng bảy. Điều bất tiện duy nhất : ngay dưới phòng tôi ở là cửa vòm vào nhà có hai cánh cổng sắt, và về mùa đông, thậm chí qua hai lớp kính tôi vẫn phải nghe tiếng xe tải gầm gừ chở hàng đến cho các cửa hiệu chiếm hết tầng một. Tiếng cổng sắt ken két, những thùng sữa rỗng va vào nhau kêu loảng xoảng và tiếng các anh tài xế chửi nhau loạn xạ. Nhưng lần này thì tôi sốt ruột đợi cho tiếng động chẳng lấy gì làm thú vị ấy vang lên , càng sớm càng tốt, hoặc ít ra cũng một tiếng gà gáy sớm. Than ôi con gà sống duy nhất còn lại trong khu chúng tôi gáy rất thất thường, bản năng định giờ của nó đã bị gặm mòn với nỗi cô đơn. Tôi cũng cảm thấy một cái gì tươgn tự, và có lẽ đây là lần đầu tiên kể từ khi tôi sống ở đây, sự ẩn náu trở nên nặng nề đối với tôi. Rốt cuộc là tôi hèn nhát rời bỏ những nguyên tắc của mình, tôi tìm đâu đấy trong túi thuốc dã ngoại, còn lại từ hồi chiến tranh, được mấy viên thuốc đáng ngờ, không biết là nembutan hay bar-bamin, và lúc đã gần sáng, tôi thiếp đi trong một giấc ngủ nặng nề không chút sảng khoái.
Tôi nằm mơ thấy Nem-Butan bà Bar-Bamin, hai tướng lĩnh Axirin hung hãn với hàng râu đen xoắn tít và những cặp mắt gà sống đanh ác
(còn nữa)

Không có nhận xét nào: