Thứ Sáu, tháng 9 21, 2007

THAO THỨC - ALẾCHXANĐRƠKRÔN

ALẾCHXANĐRƠ KRÔN
Dịch giả: Hoàng Hữu Phê
(Dịch từ nguyên bản tiếng Nga, A.Krôn Tuyển tập tập 2, Nhà xuất bản văn học quốc gia Matxơcơva, 1980)
Tiểu thuyết
TẬP I
( Nhà xuất bản tác phẩm mới – Hội nhà văn Việt Nam – năm 1985)

NHỮNG LÝ DO CHÍNH ĐÁNG ĐỂ “THAO THỨC”…


I.CUỐN SÁCH VÀ NHỮNG CUỘC TRANH CÃI:

Bên cạnh những tác phẩm ngay từ khi mới ra đời đã được dư luận nhất trí khen ngợi là có giá trị và được đủ mọi thứ giải thưởng khác nhau, trong văn học nước nào và ở thời kỳ nào cũng vậy, thường có những tác phẩm gây ra những luồng dư luận trái ngược, kẻ khen người chê, rất khó quả quyết ai sai ai đúng. Thuộc loại thứ nhất trong văn học Xô-viết những năm gần đây, người ta thường kể tới Phong tỏa của Tsacốpxki. Lựa chọn của Bônđarép. Không chốn nương thân của Avigiuyx. Bức tranh của Granin…( Một số tác phẩm này đã và đang được dịch ra tiếng Việt). Còn như thuộc loại thứ hai? Số này hơi khó xác định hơn, nhưng vẫn có. Một truyện vừa và một số truyện ngắn của Tơriphônốp mà cách đây ít lâu, bạn đọc mới được đọc trong cuốn Nửa đời nhìn lại là một ví dụ. Rồi truyện vừa Một cuộc sống khác, tiểu thuyết Ông già cũng của Tơriphônốp. Chiếc vương miện kim cương của tôi của V.Kataép vv… Bạn đọc và các nhà phê bình Xô-viết đã có những ý kiến khác nhau về các cuốn sách này. Chúng không có may mắn được nêu tên trong các kỳ tuyên bố giải thưởng. Song tuyệt nhiên không ai coi đó là tác phẩm tầm thường. Ngược lại từ những cuốn sách khiến cho dư luận phân vân và nhềiu khi xung đột đó, người ta càng nhận ra sức sống mạnh mẽ của văn học Xô-viết. Nền văn học đó không đơn điệu theo những lối mòn, nó luôn luôn suy nghĩ để tìm đường thể nghiệm, để đạt tới mục đích thống nhất, là phản ánh cho hết những vấn đề đặt ra trong xã hội và có được tác động thật tích cực với bạn đọc Xô-viết hôm nay. Có thể có bao nhiêu cách làm khác nhau, những lối tái hiện cuộc sống khác nhau, thậm chí quan niệm viết khác nhau, tuy cũng cùng một thiện chí lớn đối với trách nhiệm xã hội của văn học. Tiểu thuyết thao thức lần đầu in trên tạp chí thế giới mới các số 4-6-1977, và ngay từ cuối năm đó khi chưa được in thành sách, đã gây nên dư luận sôi nổi. sau bài viết của một nhà phê bình ở mục Điểm tạp chí của báo văn học số 30 tháng 08 năm 1977, là hàng loạt thư bạn đọc gửi về, người khen hết lời, kẻ chê cũng dùng đến những từ thậm tệ. Trên nhiều tờ báo khác cũng có những ý kiến khác nhau như vậy, đến mức trong năm 1978, tạp chí những vấn đề văn học ( nguyệt san chuyên về phê bình cơ quan của hội nhà văn và viện văn học thế giới mang tên Goocki) còn có hai bài khá dài, nhìn lại một số vấn đề của văn học, nhưng đã động rất nhiều đến Thao thức. Bàn về thế nào là nhân vật tích cực, đặc biệt là miêu tả những con người làm khoa học, người ta nhắc đến nó, rồi bàn về mâu thuẫn trong văn học, bàn về hình thức tự thú trong tiểu thuyết, nó lại được đưa ra làm dẫn chứng. Mỗi người nhấn mạnh một phía. Tuy nhiên, càng về sau, càng thấy có nhiều ý kiến khẳng định giá trị cuốn tiểu thuyết này. Khi xuất bản tuyển tập tác phẩm hai tập của tác giả vào năm 1980, nhà xuất bản văn học Quốc gia lấy nó làm bộ phận chủ yếu của tập hai. Cũng năm đó, trong cuốn sách nhan đề Tiểu thuyết Xô-viết. Những con đường và những tìm tòi, nhà phê bình văn học M. Cudơnhetxốp đã dành những dòng trân trọng cho Thao thức (cũng như cho Ông già của Tơriphônốp và Chiếc vương miện kim cương của tôi của Kataép). Theo Cudơnhetxốp, cùng ý nghĩa như con người, năm tháng cuộc đời của I. Erenbua câu chuyện về cuộc sống của C. Panxtốpxki. Thao thức là một tác phẩm giúp ta hiểu bề sâu của con người Xô-viết. Cuốn tiểu thuyết mang nặng chất suy nghĩ này thật kỳ lạ, thú vị và đây là một hình thức của tiểu thuyết hiện đại, hơn nữa “một hình thức thuộc loại có triển vọng nhất” M. Cudơnhetxốp là một trong những nhà nghiên cứu chuyên về tiểu thuyết Xô-viết, ông từng được phân công viết nhiều chương quan trọng trong bộ lịch sử văn học Xô-viết, do viện văn học Goocki chủ trì. Cuốn sách của ông mà chúng tôi vừa nhắc tới, lại thuộc loại sách phổ thông do nhà xuất bản Kiến thức xuất bản, phục vụ đối tượng quần chúng rộng rãi, số lượng in ra là sáu chục ngàn cuốn. Nói một điều đó , đã là một bằng chứng tốt, chứng tỏ Thao thức là một giá trị có thể khẳng định.

II.TỪ THẾ GIỚI CỦA NHỮNG NGƯỜI LÀM KHOA HỌC ĐẾN NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA ĐỜI THƯỜNG.

Sau khi dẫn đầu một đoàn đại biểu khoa học Xô-viết dự một hội nghị quốc tế tại Pari, một học giả cỡ lớn, viện sĩ Uxpenxki đột ngột từ trần. Nhân đây một trong những học trò và đồng nghiệp thân cận của Uxpenxki là Yudin có dịp suy nghĩ lại nhiều chuyện liên quan đến cuộc đời của nhà khoa học lớn kia, nhất là những chuyện đặt ra với chính mình. Những chuyện riêng và những chuyện chung. Đường đời. Quan hệ. Công việc. Triển vọng… Trên nét lớn, có thể tóm gọn toàn bộ câu chuyện xảy ra trong Thao thức bằng mấy nét sơ lược như thế. Song như sau đây bạn đọc sẽ thấy, mọi chuyện không hề đơn giản. Đúng với tư cách một nhà văn chân chính. Krôn biết chỉ cho chúng ta thấy cả thế giới cực kỳ phức tạp. Khi đọc chúng ta bị cuốn theo câu chuyện; đọc xong ta còn phân vân xét đoán mãi về từng con người, từng số phận trong đó, thấy họ là những con người rất thật, ngỡ đã quen biết với chúng ta, mà chính chúng ta chưa bao giờ hiểu hết. Như các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, từ thế kỷ XIX trở về trước, thông thường hình tượng các nhà bác học trong văn học nghệ thuật rất thô sơ, về mặt nội tâm. Như ở Giuyn Vécnơ chẳng hạn, nhân vật Paganen là một anh chàng chỉ biết chúi đầu vào công việc, đến quên hết sự đời. Khá hơn một chút thì họ hiện lên như hình tạc Nhà tư tưởng đang suy tư của Rôdanh, nghĩa là một thứ mẫu người thật căng thẳng thật cao siêu soát tục. Chỉ tới thế kỷ chúng ta, đặc biệt khi cuộc cách mạng kỹ thuật lan ra mạnh mẽ, công tác khoa học đã trở thành nghề phổ biến, thì người làm khoa học mới được quan niệm lại. Đó là ngành đầu tư trí tuệ và phương tiện vào sản xuất, có đỉnh cao và có đồng bằng, có những phút giây xuất thần chói sáng và có cả những ngày tháng đằng đẵng nối tiếp đều đều , nếu không muốn nói là tẻ nhạt. Không có gì khác người thường, những người làm khoa học cũng sống đủ mọi cung bậc trong đời sống tình cảm của mình, từ những giây phút tìm tòi thú vị, săn đuổi thành công, chen lẫn những lo lắng, dằn vặt mà bất cứ ai cũng phải gánh chịu. Trong cả giới có sự phân công cao độ, tỏa ra thành đủ loại ngành nghề, hình thành nhiều mẫu người khác nhau, khiến soi vào đó người ta thấy cả nhân loại. Giới khoa học được miêu tả trong Thao thức chính là một thứ thế giới đa dạng như vậy. Qua những trang ghi chép nửa nhật ký, nửa tự thú của giáo sư Yudin, sinh hoạt khoa học hiện ra với rất nhiều bộ mặt. Các nhà khoa học ở đây đủ mọi cương vị, với những trách nhiệm khác nhau, từ những nhà khoa học đầu đàn trong một lĩnh vực nghiên cứu của một quốc gia, tới hàng ngũ tiến sĩ phó tiến sĩ, thực tập sinh, nhân viên thí nghiệm, nhân viên hành chính. Cách tồn tại của mỗi người trong khoa học không giống nhau, tư cách từng người nhiều khi chống đối nhau kịch liệt. Họ không thuần nhất: Chính vì thế, họ đáng để chúng ta tìm hiểu. Xét cho cùng nếu đòi hỏi sau khi đọc xong thao thức có thể biết được mọi mặt sinh hoạt khoa học hoặc một quy trình khoa học cụ thể nào đó, chúng ta sẽ thất vọng. Mặc dù bám rất sát thực tế khoa học, đặc biệt là ngành sinh học xô viết mấy chục năm qua, dụng ý của ÊRôn không phải như vậy. Nghề làm khoa học đối với các nhân vật của ông, cũng như thể thao thám hiểm, làm công tác tình báo…Ở các nhân vật của các nhà văn khác, chẳng qua chỉ là những trường hợp tình huống, để giúp chúng ta hiểu sâu ở một phương diện nào đó của nhân vật và bản chất từng người. Do thói quen nghề nghiệp ăn sâu trở thành một thứ bản tính tứ hai, nhân vật Yudin trong truyện luôn luôn nói , suy nghĩ bằng ngôn ngữ của một người làm khoa học, hơn nữa một người làm khoa học trong thế kỷ XX. Sinh học phân tử và cơ học lượng tử, lý thuyết thông tin, mối quan hệ nhiều vẻ giữa cá thể và quần thể, giữa sinh vật và môi trường...những quan niệm ấy chi phối từng quan sát, từng nhận xét nhỏ của Yudin về đời sống. Đối với những ai chưa quen, điều đó có thể gây ra một vài ngạc nhiên nhỏ. Song, cuối cùng, nhìn cho kỹ , những nhận xét của Yudin không gì khác, cũng là cái khao khát từng ám ảnh mỗi chúng ta: Làm sao để cuộc sống xã hội ngày công bằng hơn, nhân đạo hơn, phục vụ những tiến bộ xã hội đích đáng hơn; làm sao để chủ nghĩa xã hội mà chúng ta và các thế hệ cha anh từng đã lấy cả cuộc đời mình ra để phấn đấu, bảo vệ, xây dựng, trở thành một xã hội thật sự tốt đẹp. Về nguyên tắc, tất cả chúng ta có thể nói như Yudin: Thay thế cho chủ nghĩa xã hội cảm giác- một thứ chủ nghĩa xã hội giầu tính ảo tửơng- phải là một chủ nghĩa xã hội khoa học, và sở dĩ tôi kính trọng đạo đức cộng sản hơn đạo đức tư sản, thì chính là vì đạo đức cộng sản gần với tinh thần nhân bản hơn cả.

III. THỂ TIỂU THUYẾT TỰ THÚ VÀ NHÂN VẬT YUĐIN:

Giả sử bây giờ có ai hỏi chúng ta ý nghĩa chính của cuộc đời là gì, ta sẽ rất khó trả lời cho được rành rọt. Để hiểu nó, ta phải đối mặt với mọi thứ đầu cua tai nheo trong những ngày đã sống qua, phải hồi tưởng, phân loại... đủ thứ. Nhưng cũng nhờ vậy, ta hiểu ra một chân lý giản dị: bên cạnh những điều rõ ràng, bao giờ cuộc sống cũng còn bí ẩn, không dễ gì một lúc cắt nghĩa hết được. Mỗi cá nhân là một thế giới. Và khi thế giới đó muốn tự nhận thức mình, nó rất dễ lúng túng, vì không ngờ chính mình lại có những rắc rối đến vậy. Trong văn xuôi xưa nay vẫn có thể loại tự thú, ở đó người ta chứng kiến sự vận động trong đời sống tinh thần một con người. Qua lăng kính một cá nhân, người ta nhận thấy cả xã hội. Những tự thú đó thường được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt miễn là nhân vật tự thú là con người biết tự phân tích, có thái độ khách quan đối vời mình cũng như đối với chung quanh; miễn đó là con người có nguyện vọng tốt đẹp là sống lương thiện, và hiểu rõ rằng quá trình hoàn thiện không bao giờ chấm dứt. Trên nhiều phương diện, nhân vật Yuđin trong Thao thức hội trong mình nhiều điều kiện chúng ta vừa nói. Đây thực sự là một người có cảm quan của một trí thức, đầu óc luôn luôn làm việc. Nghề nghiệp trang bị cho Yuđin những công cụ tốt để nhận xét đời sống, nghề nghiệp, lại buộc Yuđin phải luôn luôn kiểm tra lại những điều mà mình nhận xét và quan sát thấy, gạt hết mọi ngẫu nhiên, tìm ra quy luật bên trong của đời sống. Nói như M.Cudơnhetxốp " Thao thức giống như dòng ý thức của một người đương thời với chúng ta, rất thông minh và được trời phú cho một khả năng quan sát và phân tích không dễ ai cũng có. Đâu phải mọi kết luận do Yuđin đưa ra đều không thể tranh cãi nữa, vậy mà bản thân quá trình suy nghĩ của nhân vật vẫn rất hào hứng, lý thú..." Tóm lại, chọn những tự thú của Yuđin làm mạch chính của cuốn sách, tác giả đã chọn cho mình một mảnh đất tốt, để từ đó xâu chuỗi lại nhiều hiện tượng khác nhau của đời sống. Trung thành với truyền thống của văn xuôi Nga thế kỷ XIX, đặt biệt là truyền thống của Tônxtôi và Đôtxtôiepxly, ngòi bút phân tích tâm lý của A.Krôn ở đây tỏ ra rất điêu luyện, rành mạch, khúc chiết. Nhưng ý nghĩ tự thú vốn gắn với Yuđin như thuộc tính sẵn có ở một người làm khoa học được đẩy đến cùng, khiến ta cảm thấy nhiều chỗ có phần lạnh lúng, khinh bạc, trắng trợn, nhưng chính bởi vậy lại thêm sức quyến rũ. Tình cảm nước đôi vừa kính trọng, vừa căm giận của Yuđin với người này, thái độ cố chấp đối lúc hóa ra thiên kiến mà chính Yuđin cũng muốn gạt đi, nhưng gạt không nổi trong quan hệ với người kia, những cuộc đấu trí căng thẳng, không khoan khoan nhượng đến ức u uất của Yuđin với một người khác nữa.... bấy nhiêu phức tạp trong quan hệ của Yuđin với các đồng nghiệp thực ra có chút gì đó rất nhân bản, chúng chỉ là những biến dạng cụ thể của những mối quan hệ sống mà gần như tất cả chúng ta đều trải qua, hoặc nhiều hoặc ít. cả cái lối nhìn đời có vẻ cay nghiệt nhưng thật ra là nông nổi, nhẹ dạ, bởi còn nhiều ảo tưởng; cả thói quen bước vào cuộc tiếp xúc với mọi người với thái độ của một vận động viên thể thao, cố bảo vệ bằng được sự thuần khiết và tính độc đáo của nhân cách mình; rồi một chút đỏng đảnh sách vở khi nói về bản thân; những nét làm đỏm đi liền với với những tinh tế trong ứng xử hàng ngày.... bấy nhiêu khía cạnh khiến cho khuôn mặt tâm lý của Yuđin càng sinh động. Trong Yuđin chứa đầy mâu thuẫn mà mâu thuẫn lớn nhất là luôn luôn tuyên bố xây tháp ngà để làm khoa học, nhưng thực tế lại toàn tâm toàn ý hướng về đời sống). Cách xử lý của Yuđin trong việc đời chưa thật hoàn toàn đáng để chúng ta noi theo. Thậm chí Yuđin cũng chưa đi đến cùng trên con đường anh ta đã lựa chọn. Còn thiếu hẳn một nụ cười độ lượng khi xem xét lại mọi chuyện và tuy đã có đầu óc hài hước, Yuđin vẫn không tránh khỏi những bối rối trước cuộc sống thiên biến vạn hóa hàng ngày tất cả chúng ta vẫn trải. Nhưng chính bởi vậy, Yuđin lại gần gũi với anh với tôi, với tất cả những ai đang sống. Bởi trừ một số thuộc lọai " ngoại hạng" còn phần lớn chúng ta vốn sống rất vụng về, khôn chỗ này, dại chỗ khác, có rủi có may, bảo là thành đạt trên đường đời cũng được, bảo là thất bại cũng được. Quả thật khi xây dựng hình tượng Yuđin, nhà văn A.Krôn đã có một nhập thân đáng kể đến mức rất khó phân biệt đâu là tác giả, đâu là nhân vật. Érenbua, khi đọc lại Sêkhốp, từng nêu một nhận xét đại ý: các nhà văn rất thích gửi gắm suy nghĩ của mình vào miệng nhân vật, tuy sau đó lại kịch liệt phản đối, khi ngừơi ta bảo đấy là ý kiến của mình. Cái khách quan của Krôn trong việc xây dựng nhân vật Yuđin, cũng đã gây ra nhiều cuộc bàn cãi. Cũng một Yuđin đó, mà có độc giả khen hết lời, bảo đây là một tri thức tiêu biểu, thông minh, lịch thiệp, người khác chê là kẻ ích kỷ tinh vi, không xứng đáng được coi là một nhân vật tích cực. Dẫu sao có thể công nhận Yuđin là mẫu người sinh động; trong cái thật của mình những suy nghĩ của Yuđin là những gợi ý tốt, đáng để chúng ta suy nghĩ tiếp. cần nhớ là đằng sau Yuđin còn cái bóng cao hơn của Uxpenxki. Cái khung của cuốn tiểu thuyết có phần hơi chật với nhân vật viện sĩ này, cũng là dụng ý của tác giả, tuy nhiên chỉ qua vài nét phác, chúng ta đủ thấy : cả tầm vóc con người, lẫn trình độ một nhà bác học, Uxpenxki còn trội hơn Yuđin cả một đầu. Những người hiểu , biết đời sống xã hội xô vếit mấy chục năm qua hẳn biết một Uxpenxki trong Thao thức chỉ là hình bóng của nhiều Uxpenxki có thật trong cuộc đời. Họ làm việc trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Với tiềm năng xuất sắc được chuẩn bị từ lâu và khả năng thích ứng cao độ, họ chèo chống và gánh vác không biêt bao nhiêu công việc mà một thể chế hình thành sau cách mạng, mới mẻ, năng động, đặt lên vai họ. Đóng góp của thế hệ những người này với xã hội rất lớn, nhưng cuộc đời họ thường khi không đơn giản chút nào, mỗi người một số phận phức tạp, phải có cái nhìn thấu đáo mới thông cảm hết. Văn học xô-viết đã và đang còn phải viết tiếp về họ.

IV. BƯỚC NGOẶT TRONG CUỘC ĐỜI SÁNG TÁC CỦA MỘT TÁC GIẢ:

Theo như cách nói của Inna Grêcôva một nhà văn đồng thời là tiến sĩ khoa học, Thao thức được viết bằng một ngòi bút bậc thầy. Với Thao thức, Krôn đã trở thành một trong những tác giả văn xuôi nổi tiếng nhất trong văn học xô viết hiện thời (1) Nhưng có điều trớ trêu : Krôn viết Thao thức khi cả tuổi đời và tuổi nghề đều đã gần đi trọn. Sinh năm 1909, ông tốt nghiệp đại học tổng hợp Matxcơva năm 1930; sau đó liên tục hoạt động trên lĩnh vực báo chí. Trong chiến tranh, ông là người gắn bó chặt chẽ với các hoạt động của Hải Quân xô viết và từng viết cả đến mẩu tin, bài báo nhỏ trên tờ báo quân chủng này. Sau chiến tranh, ông đã có những vở kịch, những tiểu thuyết được dư luận trong nước chú ý và được dịch ra tiếng nước ngoài. Năm 1964, cuốn truyện Ngôi nhà và con tàu của ông được nhất trí đánh giá cao. Tuy nhiên trong cuộc đời sáng tác của tác giả, Thao thức vẫn là một bước ngoặt. Nó khiến cho độc giả xô-viết như phát hiện ra một Krôn mới. Có những tác giả ngay từ những năm còn trẻ đã có những tác phẩm nổi tiếng, hơn nữa, những tác phẩm có ý nghĩa nguyên tắc đối với sự nghiệp sáng tác của mình: từ đó về sau, ông ta cứ cái mạch đó mà kéo, giữ được mức cũ, hoặc có sa sẩy tí chút, dư luận cũng sẽ chiếu cố. Trường hợp Krôn với thao thức hầu như khác hẳn. Có một sự đổi mới trong đời văn, khiến ta có thể nói một sự hồi sinh mà mỗi người đều mong ước. Đến tuổi già, ông viết khác đi, và như vậy, thực sự ông trẻ lại. Đứng về mặt nghề nghiệp mà xét, với việc viết Thao thức, tác giả này xứng đáng được chúng ta kính trọng. Tuổi ngoài sáu mươi, đang quen với các đề tài khác, ông đột ngột bước vào đề tài khoa học, lại nữa, một ngành khoa học cực kỳ phức tạp như sinh học, vậy mà viết rất thoải mái, như người vốn trưởng thành ở ngành khoa học đó quay ra viết văn. Ngôn ngữ của ông trong Thao thức đúng là ngôn ngữ của một người hiểu khoa học hiện đại, ở đó đầy nghịch lý và cũng đầy chất u-mua. Ông rất thông thạo những quy luật của tư duy và biết diễn tả những mê cung rắc rối đó một cách mạch lạc. Thật ra bảo khó phân biệt đâu là đâu là chỗ kết thúc của nhà khoa học Yuđin và đâu là chỗ bắt đầu của nhà văn Krôn chỉ là một cách nói: lẽ nào những gì ở miệng Yuđin chẳng phải do chính Krôn viết ra? Sức dễ lây truyền trong những suy nghĩ của Yuđin chỉ nói lên bản lĩnh của tác giả Krôn. Vẫn theo Grêcôva " Để viết Thao thức, Krôn đã làm việc gần chục năm ròng" bởi lẽ " ông chỉ có thể viết về những gì mà ông hiểu biết tỉ mỉ". Xét trên một phương diện khác, lại phải thấy ngòi bút viết Thao thức có vẻ còn rất trẻ. Trong tiểu thuyết có nói tới rất nhiều mối tình. Qua những trang tự thú có phần đơn điệu của Yuđin, những mối quan hệ tinh tế giữa con người với con người được tác giả tháo gỡ từ tốn, bình thản, như còn dư sức làm nữa. Mặt khác trong khi đi sâu vào tâm lý con người, cuốn sách lại trải ra trên một khu vực đời sống khá rộng, từ chuyện khoa học đến chuyện đời thường, từ lao động hòa bình tới những kỷ niệm trong chiến tranh, từ những vùng rừng Nga hoang sơ đến những chuyến thăm viếng nước ngoài không thiếu chuyện kỳ cục. Trong cái vẻ như là xộc xệch của câu chuyện, kinh nghiệm sống ở đây được huy động đến mức tối đa...Bởi nhân vật Yuđin đã cho phép mình nói về tất cả mọi chuyện, những trang ghi chép ở đây, không phải là "nửa đời nhìn lại". mà có được tầm bao quát " cuối đời nhìn lại"; tác phẩm mở ra trên một địa bàn rất rộng để cho người đọc đủ chỗ mà nghĩ ngợi. Khi đặt cho tác phẩm của mình cái tên Thao thức A.Krôn có ý bám vào những đêm không ngủ của Yuđin, nhưng với bạn đọc, cái tên này đã mang tư tưởng của cuốn sách. Dường như Krôn muốn nhắn nhủ với chúng ta: mọi chuyện trên đời không phải chỉ khẳng định một lần là xong., tất cả mọi chuyện đều phải được suy đi xét lại; quá khứ của mỗi người cũng không đơn giản đã xong mà luôn luôn cần được phát hiện lại. làm mới quá khứ của chính mình và những người chung quanh, cắt nghĩa lại mọi chuyện đã qua , chính là cái cách tốt nhất để chuẩn bị cho mình sống những ngày tới. Vả chăng chia ra quá khứ với tương lai cũng chỉ là ước lệ, cái chính là với việc đời , người ta không có quyền nghĩ về nó một chiều, nó luôn luôn ngổn ngang trăm mối, có thể thế này và có thể thế khác, không một việc nào ngay một lúc " cưa đứt, đục suốt", không người nào chết cứng trong cái kết luận duy nhất mà ta áp đặt cho họ. Thật là kỳ lạ, thiên truyện của một nhà văn ngót nghét 70 tuổi lại là một thiên truyện được viết theo lối bỏ lửng và với nhân vật chính trong đó, mọi chuyện chưa đâu vào đâu. Nhưng suy cho cùng, đấy là cái kết luận đúng đắn hơn cả mà chúng ta cần chấp nhận, mỗi khi muốn có một phán đoán tổng quát về đời sống. Nói như nhà nghiên cứu văn học M. béclin: " Không có gì tận cùng có thể xảy ra trên thế giới này, lời cuối cùng về thế giới chưa được nói, thế giới luôn luôn được gợi mở và được bỏ ngỏ, nó ở phía trước và mãi mãi ở phía trước" ( Trích Những vấn đề thi pháp Đốtxtôiepxki)
Khi đủ bản lĩnh để giữ cho mình không rơi vào hoài nghi và bi quan, mọi sự thao thức đều có thể được chấp nhận. Chỉ cần, như nhân vật Yuđin trong truyện, chúng ta có một thái độ khoa học và một đầu óc tỉnh táo để xem xét mọi chuyện cho thực khách quan. Và nếu vượt lên cao hơn Yuđin nữa để có cái nhìn giản dị đến lão thực và một nụ cười thoải mái độ lượng tới cùng, thì càng đáng quý.


Hà Nội, tháng 2 năm 1983


VƯƠNG TRÍ NHÀN


(Còn nữa)

ALẾCHXANĐRƠ KRÔN
Dịch giả: Hoàng Hữu Phê
THAO THỨC
Tiểu thuyết

PHẦN I
I. NGƯỜI VIẾT NHỮNG DÒNG NÀY.
Tôi tỉnh dậy lúc nửa đêm, bị đánh thức bởi một linh cảm mơ hồ. Những ai quen thức giấc một phút trước khi chuông đồng hồ réo và những người lính cũ đã từng ngủ gật khi đợi hiệu lệnh tấn công sẽ hiểu điều tôi nói. Tôi tỉnh dậy với ý nghĩ về Uxpenxki. Có lẽ không phải ý nghĩ mà chỉ là một hình ảnh thoáng qua. Tôi nhìn thấy ông trong một khoảnh khắc thôi nhưng rõ nét như dưới ánh chớp. Khuôn mặt người thầy của tôi, nhợt nhạt mặc dù rám nắng mùa đông, có một vẻ đăm chiêu và buồn bã. Tôi nhớ ông như thế trong dịp lễ kỷ niệm sinh nhật ông năm ngoái. Ông đứng sát mép ngoài bục Chủ tịch đoàn, cao vượt hẳn những nhân vật long trọng đứng ở các hàng đầu, tầm vóc to lớn và cân đối như thanh niên, đôi mắt trống rỗng không nhìn vào hội trường đèn chiếu sáng rực mà lại hướng vào đâu đấy, nơi trong chiều sâu mờ tối của các ban công, lấp lánh ánh đèn mầu ngọc đỏ chỉ các lối thoát phụ. Ông đứng bất động, và chỉ khi một tràng vỗ tay nữa dậy lên, ông mới như bừng tỉnh, chậm chạp và nghiêm nghị khẽ cúi mái đầu bạc tuyệt đẹp của mình xuống. Lúc bấy giờ nhiều người cho đó là sự kiêu căng... Để khỏi chói mắt, tôi không bật đèn mà chỉ mở rađio, và trong ánh sáng yếu ớt của băng sóng, nhìn vào đồng hồ. Đã hai giờ hai phút. Tôi trở mình qua phía khác, và vừa định bụng phải ngủ lại bằng bất cứ gái nào thì bỗng nhiên phải bật dậy vì một thứ tiếng ồn tệ hại. Đang ngái ngủ, tôi đã quên không tắt rađio, và những bóng điện tử vừa kịp nóng lên đã ném vào tôi một tràng vỗ tay như sấm rền. Tôi có những lý do để không thích nghe hoan hô, nhưng đến những tràng vỗ tay vào lúc hai ba giờ sáng thì có thể làm cho bất cứ ai cũng phát khùng lên được. Giấc ngủ biến đâu mất, và, cảm thấy nỗi lo âu cũng như cảm giác cô đơn cứ mỗi lúc một tăng, tôi hiểu rằng mình sẽ phải thao thức trọn đêm nay. Người cha quá cố của tôi, một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, sinh thời là một bác sĩ học rộng, đã kịp truyền cho tôi một số nguyên tắc vệ sinh, trong đó có sự tẩy chay dứt khoát đối với thuốc ngủ. Ông thường mỉa mai rằng giấc ngủ nhân tạo cũng chỉ là một thứ đồ giả như cái chân gỗ thôi: Những khi không ngủ được, ông đứng dậy, khoác chiếc áo choàng Bukhara và đến bên bàn viết. Những gì ông làm ban đêm thường rất ít khi là sự tiếp nối công việc ban ngày. Ban đêm ông ghi chép gì đấy, dịch sách báo từ tiếng Đức, và có một thời thậm chí còn viết tiểu thuyết xã hội viễn tưởng. Những ghi chép này củ cha tôi, một phần mất mát trong những cuộc di chuyển, một phần bị giữ lại khi cha tôi bị lục soát ở biên giới, đã không còn nguyên vẹn, quyển tiểu thuyết vẫn hãy còn bỏ dở. Ông thường nói rằng vào những giờ đêm, đúng hơn là lúc gần sáng, bộ óc người ta, mặc dù mệt mỏi, vẫn làm việc một cách độc lập nhất, những lúc này nó hoàn toàn không phụ thuộc vào áp lực bên ngoài. Cha tôi cho rằng chính phần lớn các huyền thoại và những suy nghĩ dập khuôn lại thường được phát sinh vào ban ngày. Từ lúc nào đấy không biết, tôi bắt đầu học theo cha tôi, và dấu vết rõ ràng của những giờ đêm lục đục không ngủ được ấy là một vài giấy tờ riêng tư, chỉ có liên hệ xa xôi với công việc tôi tiến hành trong phòng thí nghiệm. Khoảng gần bảy giờ, tôi kéo rèm che cửa sổ, nằm xuống giường và chắc là sẽ ngủ được đến mười một giờ, nhưng lúc chín giờ một tiếng chuông lảnh lót, gián đọan và kiên nhẫn buộc tôi phải nhổm ngay dậy. Chỉ người nào muốn và có quyền đánh thức mới gọi chuông được như vậy. " Uxpen xki vừa chết hôm nay, vào lúc 2 giờ sáng. Yêu cầu anh đừng đến và cũng đừng gọi điện, tôi sẽ gọi cho anh trước. Tôi cần lời khuyên của anh, và có thể cả sự giúp đỡ nữa.
Bêta
T.B. " Xin đừng gửi điện chia buồn" . Mẩu thứ 2 viết trên một phiếu bưu điện in sẵn. "Ôlếch Antônôvích thân mến! Tôi gửi cho anh mấy chữ của Bêta. cô ấy choáng váng, nhưng chiụ đựng tai họa với một sự can đảm đến ngạc nhiên. kết luận y khoa còn chưa có, nhưng người ta nghĩ rằng đấy là nhồi máu cơ tim. Bây giờ anh chưa cần phải đến. Tôi ở trong viện không thò mặt ra ngoài lấy một phút. Gọi điện cho tôi lúc nào cũng được.
O.S. của anh, "
O.S. nghĩa là Ônga Sêlêpôva, thư ký của Uxpenxki. Phong bì mầu trắng, dầy dặn, có tiêu đề của viện chúng tôi. Tôi xoay xoay nó trong tay, vò nát và vứt đi nghĩa là thừa nhận và bỏ qua. Có một ít logích trong chuyện này, nhưng không nên quá cường điệu vị trí của lôgích trong cách xử sự hàng ngày. Khi người ta hỏi tôi có tin ở thần giao cách cảm hay không, tôi thường trả lời bằng một câu đùa, Tôi nói rằng có thể tin vào các đấng thiêng liêng; nhưng không cần tin bản cửu chương mà phải thuộc nó. Câu trả lời tất nhiên là không được nghiêm túc. Mọi nghiên cứu trong khoa học đều dựa trên một giả thiết nào đấy, hoặc thậm chí một chuỗi các giả thiết, và người ta có thể tin hoặc không tin vào giả thiết, nói một cách nghiêm túc thì hoàn toàn có thể hình dung được sự tồn tại những tính chất ta chưa hề biết đến của vật chất, và điều này có thể giaỉ thích được cho hiệu ứng điện sinh học. Ít ra thì tôi cũng không biết một định luật tự nhiên nào phủ định sự tồn tại của hiệu ứng này như một giả thiết trong nghiên cứu. Một sự thật không thể chối cãi được, là tôi tỉnh dậy với ý nghĩ về Uxpenxki đúng lúc ông ta hấp hối, cũng không chứng minh được điều gì hơn. Tôi chỉ thấy hơi rợn trong một thoáng. Như thế là vào hai giờ hôm nay... Hôm qua, lúc hai giờ sáng, tôi và Paven Đuxitrievich Uxpenxki hãy còn lang thang trên những phố Pari ban đêm và sáng hôm đó, duỗi đôi chân mỏi nhừ, chúng tôi ngủ gật trong khoang máy bay, sau đó cùng đi ô tô từ sân bay Vucôvô về nhà và chào nhau một cách chiếu lệ, như những người sẽ gặp lại nhau ngay và còn đủ chán thời gian để nói về trăm thứ chuyện. Nhưng thế là ông ta không còn nữa, và tôi phải tự điều chỉnh tâm trạng của mình cho phù hợp với hiện thực mới này. Nhận thức con người nói chung là bảo thủ, những điều như thế không dễ gì làm được ngay. - Ông có đến đấy không? Tôi có xe đây, có thể chở ông đi. Giọng nói già nua, khô cứng như thủy tinh. Đấy là cụ Antônhêvích, cựu binh của Viện chúng tôi. Tôi chợt nhớ phải đỡ cụ ngồi xuống, chẳng gì cũng một bậc bô lão tròn tám mươi. Cụ già kiên quyết từ chối, và lúc này tôi mới nhớ lại rằng đã ba mươi năm nay từ ngày biết cụ đến giờ, chưa bao giờ tôi thấy cụ ngồi. Cụ già không cao lớn nhưng rắn rỏi lạ thường, với đôi tay cứng như sắt của mình, cụ thường được người ta gọi luôn, khi thì cần vặn vòi nước nóng quá chặt, khi thì gỡ một khung cửa sổ mục. cái trán hói nhẵn bóng của cụ như tỏa ra ý thức về một sự bền vững không gì lay chuyển nổi, trên khuôn mặt cạo nhẵn nhụi với chiếc mũi diều hâu và đôi mắt thâm trầm không có lấy một nếp nhăn. Tôi nhìn kỹ khuôn mặt lạnh lùng như của một pho tượng La Mã ấy mà không tìm thấy một dấu vết kinh động nào, thế mà trong nhiều năm, Uxpenxki đối với cụ là uy tín duy nhất, đồng thời là người bạn, người nâng đỡ và cũng là đối tượng của sự chăm sóc không mệt mỏi. Điều đó là gì? Bản năng tự vệ lứa tuổi, một khả năng kỳ lạ và chưa được nghiên cứu kỹ của các cụ già dùng để đẩy lùi ý nghĩ về cái chết? Có thể là thế, nhưng chưa bao giờ tôi dám hỏi chuyện cụ già, mặc dù chắc chắn rằng cụ biết nhiều điều hơn tôi. Những điều cụ thể chẳng hề thay đổi tình thế chút nào. - Tôi không đi, cụ Antônhêvich ạ. - Không đi thì cũng viết cho người ta vài chữ chứ. Tôi thuyết phục được cụ già ngồi xuống, và ngược với sự cấm đoán, tôi bắt đầu sáng tác bức điện. Chỉ sau khi rạch nát mấy tờ giấy mà không viết nổi lấy một chữ, tôi mới hiểu Bêta thông minh đến nhường nào. Cô đoán ra rằng trong quan hệ hết sức phức tạp gắn bó ba chúng tôi, không thể tìm được những lời nào để chúng không trở nên giả tạo hoặc không gây tổn thương cho mỗi người. Những câu kiểu như " đau đớn sâu sắc" hoặc " thông cảm với tất cả tấm lòng" không thể nào diễn tả được quan hệ thật sự của tôi đối với cô, cũng như đối với người mà tôi lúc thì yêu quý, lúc lại căm thù, người đã dìu dắt tôi trở thành nhà bác học và cướp mất người đàn bà mà tôi yêu dấu, người đã nhiều lần phản bội tôi và cũng bấy nhiêu lần cứu tôi khỏi cơn nguy hiểm... Những lời ấy không diễn tả được gì, nghĩa là chúng chỉ có thể lừa dối.
Cụ Antônhêvích đi khỏi. Nhìn ánh mắt trách móc của cụ, tôi hiểu rằng cụ rất không bằng lòng về tôi. Vài phút trôi qua, đứng ở cửa sổ, tôi nhìn thấy cụ bước đến chiếc ô tô ZIM cũ kỹ của Viện, Iura, tài xế của Uxpenxki mở cửa, cụ già cúi người ngồi xuống cạnh anh ta. Khoảng cách làm nổi rõ đặc tính của dáng người, bây giờ tôi mới thấy được những gì lúc ở gần tôi đã bỏ qua. ông cụ trông già nua và đau khổ bao nhiêu!
Thế là Paven Đmitrievich Uxpenxki đã từ trần ở tuổi sáu mươi hai. Ông là một nhà bác học và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng đã đạt đến tất cả những vinh quang mà một bác học có thể có và hoàn toàn xứng đáng với những vinh quang ấy. Một nhà sinh lý học có ảnh hưởng rất lớn trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển bản thể ( ontogènes) ở Liên Xô và trên thế giới, một người đàn ông đẹp trai cho đến trước lúc chết vẫn giữ được giọng nói âm vang và dáng đi nhanh nhẹn. Ông là ca sĩ, người ham mê khiêu vũ, hết sức phóng khoáng trong công việc cũng như khi chơi bời, người có khả năng thuyết phục từ các viên chức hoài nghi trong các Bộ cho đến các giáo sư Cambridge cứng nhắc. Ông có thể uống rượu với những tay làm công nhật dựng nhà nuôi vật thí nghiệm cho Viện, lại đã từng nổi lên trong các cuộc họp báo như một ngôi sao sáng. Cái chết của ông là một tổn thất lớn lao không những cho người thân và bạn bè mà còn cho cả nền khoa học, và trước hết là cho Viện ông đứng đầu. cái chết này, không nghi ngờ gì nữa, sẽ kéo theo nó rất nhiều rung chuyển và đổi thay.
Tôi lúc nào cũng thú vị với danh hiệu " người viết những dòng này". Không hiểu sao tôi thường hình dung người viết là một kẻ gầy guộc sợ hãi ngấp nghé sau những dòng chữ ken đầy như cọc rào vót nhọn, một trong những hình nhân khôi hài, bây giờ người ta hay vẽ trên lề những tạp chí phổ biến khoa học. Nhưng chẳng trốn đi đâu được nữa, người viết những dòng này đã đến lúc phải ra mắt với độc giả giả định. Tôi gọi độc giả là giả định vì người viết những dòng này định viết một cuốn sách hoàn toàn khác, những dòng này được sinh ra hoàn toàn không phải do " cái nhọt văn chương" mà là do những đêm không ngủ được, chúng được viết ra không theo một đề cương nào cả, người viết không có khái niệm rằng ai sẽ là người đọc chúng và nói chung là người liệu có đọc hay không? Người viết những dòng này thậm chí đã tìm cách tự thuyết phục rằng làm thế, hoàn toàn để thỏa mãn cá nhân, nhưng rồi đã nhanh chóng hiểu rằng mình vờ vịt đấy thôi. Người nào viết cho riêng mình mà không hề quan tâm đến chuyện người khác có hiểu mình hay không thì anh ta chỉ cần hiểu mật mã riêng là đủ. Và có hay chăng, trong lập luận " tôi viết cho riêng tôi" một mâu thuẫn căn bản nào đó. Chúng ta bao giờ cũng viết hoặc nói cho một ai đấy, và chẳng lẽ " viết cho riêng tôi" laị không điên rồ giống như việc diễn thuyết trong một gian phòng không người?
Bởi thế để khỏi phải đánh đố nhau, cho phép tôi tự giới thiệu : Alếch Anlenôvich Yuđin bốn mươi chín tuổi, tiến sĩ sinh vật học, chủ nhiệm phòng thí nghiệm của một Viện nghiên cứu nào đấy, để cho vắn tắt ta gọi Viện phát triển bản thể (ontogénes). Đầu tháng tư năm nay (1957) người viết những dòng này đã thỏa thuận với ban lãnh đạo Viện về việc nghỉ ba tháng để hoàn thành một chuyên luận khoa học bỏ dở đã lâu. Công trình này nghiên cứu một vài vấn đề cấp bách của sinh lý học lứa tuổi và kết quả công việc nhiều năm của phòng thí nghiệm chúng tôi, chỉ có các chuyên gia mới hiểu được.
Tôi không biết người ta viết truyện và tiểu thuyết như thế nào, còn các chuyên luận khoa học thì được tạo ra trong phòng thí nghiệm sự tích lũy và khái quát các sự kiện tiến hành song song, và đến lúc người nghiên cứu ngồi vào bàn viết, nhiệm vụ của anh ta là phân bố tài liệu sao cho chúng được lĩnh hội một cách dễ dàng nhất. Khả năng viết theo tôi , phụ thuộc trực tiếp vào khả năng tư duy, và tôi không thể tưởng tượng được rằng một bác học chân chính lại phải nhờ sự giúp đỡ bên ngoài để diễn đạt được rành mạch những điều thường là ít ỏi mà trước đó chưa ai biết. Bởi vậy với một kỷ luật tự giác nào đó và nếu không có sự quấy rầy trực tiếp , ba tháng chắn chắn phải đủ để tôi hoàn thành chuyên luận này. Từ lúc nào đấy tôi bắt đầu cảm thấy tuổi tác của mình và bắt đầu nhạy cảm với bước đi của thời gian. Tôi không sợ chết mà chỉ sợ tuổi già. Còn lâu tôi mới già, tôi không có bệnh tật gì, và dưới bề ngoaì tưởng chừng mảnh khảnh, cơ thể tôi còn khá cường tráng. Trong tàu điện ngầm, đến bây giờ người ta vẫn còn gọi tôi là "anh" và tôi không nhớ một trường hợp nào có ai nhường chỗ cho tôi ngồi. So với hồi ba mươi, tôi không nhận thấy những thay đổi tuổi tác đáng kể nào. Ở một chừng mực nào đấy tôi giữ được như bây giờ nhờ có một chế độ ổn định trong nhiều năm, tôi không coi đó là bí mật và thường làm cho những kẻ muốn chiếm lĩnh bí quyết trẻ lâu phải thất vọng. Chẳng có gì mới. Xen kẽ đúng lúc lao động và nghỉ ngơi, thể dục buổi sáng, đi bách bộ, trượt tuyết mùa đông, chế độ ăn uống vừa phải, chỉ uống thuốc khi cần thiết, thỉnh thoảng mới uống rượu và ở chừng mực tượng trưng. nếu như thêm vào là từ năm bốn nhăm đến giờ tôi không hút một điếu thuốc nào, thì có lẽ đó là tất cả những gì tôi đã mang lại cho tôi cái dáng thể thao mà mọi người cho rằng đáng ghen tỵ. Lĩnh vực duy nhất tôi cảm thấy bị suy thoái, đó là trí nhớ từng được coi là thần kỳ của tôi. Nhờ nó tôi có thể tiếp thu dễ dàng nhiều kiến thức trong đó có nhiều thứ vô dụng, tự học được ba thứ tiếng Châu Âu, có thể nhẩm được những phép tính khá phức tạp và chơi cờ mà không nhìn vào bàn. Những cái đó bây giờ tôi vẫn làm được, nhưng khó trí nhớ của tôi đã ngập đầy, tôi trở nên khó nhớ và dễ quên. Thời xưa tôi hay khinh thường những loại sổ ghi chép. Bây giờ thì tôi đã có hẳn một thư mục cho những điều cần nhớ. Hồi còn trẻ tôi phung phí thời gian không hề suy tính. Bây giờ khi người ta mời tôi dự một cuộc họp không cần kíp lắm hoặc đọc một cuốn sách tầm tầm, tôi thường thoái thác bằng một câu đùa " chả còn sống được mấy cả" nhưng có lẽ ít ai hiểu rằng trong câu ấy tôi chả muốn đùa tí nào.
Tôi cần phải làm kịp nhiều việc khi hãy còn khỏe mạnh, chưa bị xơ cứng. Tôi kinh hoàng khi nghĩ rằng, bao nhiêu thời gian cần thiết cho công việc nghiên cứu nghiêm túc tôi đã bỏ phí vì nhiều lý do khác nhau. Chỉ cần kể ra ba trong số đó - Chiến tranh, đám cưới, bất hạnh và một thời kỳ u ám đối với Viện chúng tôi, khi trong sinh vật học, những phong cách và phương pháp của chủ nghĩa ý chí sau đó bị lên án, lúc bấy giờ đang chiếm vai trò chủ đạo. Tuy nhiên sẽ không đúng nếu nói rằng những năm tháng ấy đã trôi qua không dấu vết và vô ích đối với tôi, cuộc sống bao giờ cũng dạy cho ta một cái gì đấy, mất cái này , mất cái này ta thể nào cũng nhận được cái khác, và chỉ cách đây hoàn toàn không lâu tôi mới hiểu được rằng những năm trong quân ngũ đã có ích biết bao cho tôi trong công việc. Nhưng cần phải vội vã, ý nghĩ này buộc tôi phải có tính tổ chức chặt chẽ hơn và tôi chỉ nhân nhượng cho mình đúng cái mức cần thiết cho sự phục hồi những tiêu hao năng lượng.
sau khi suy tính, tôi quyết định không rời mat-xcơva đi đâu cả, tôi sống trong khu mới xây dựng và chỉ cần đi bộ mười phút là đến được nơi có hồ nước và rừng cây, tôi có một căn hộ một phòng trên tầng thứ tám của một ngôi nhà bảy tầng (thế đấy), trong nhà tôi có đài điện và tủ lạnh, cứ hai ngày một lần, thần hộ mệnh đóng vai bà coi thang máy Evghenhia Llinbisna lại đến viếng thăm tệ xá của tôi, tôi không có điện thoại, cũng như vô tuyến truyền hình - những thứ ngốn thời gian nhiều nhất. Một tháp ngà thực thụ, như thể cố tình tạo ra để ẩn náu và suy tư. Không gì buồn bã hơn nỗi cô đơn, nhưng đôi khi người ta cần sự ẩn náu, tôi thành thật tiếc cho những ai không có nó và nghi ngờ những người không cần đến nó Tôi đã cho rằng mình được bảo vệ chắc chắn, chống mọi quấy rối và cám dỗ, nhưng không lường hết được mọi việc. Tôi vừa bày giấy má ra bàn thì ô tô của Viện đã đến đón tôi. Cậu lái xe Iura cũng không giải thích được gì hơn, chỉ nói là rất cần. Tôi vừa đi vừa giận dữ, sẵn sàng dùng mọi cách bảo vệ kỳ được ba tháng làm việc ở nhà đã khó khăn đến thế mới giành giật được, nhưng đã nóng nảy vô ích - một chuyến công tác nước ngoài đang đợi tôi. Chúng tôi nhận được giấy mời đến dự phiên họp bàn về các vấn đề tổ chức của " L' Institut de la Vie" (1) một hiệp hội quốc tế của nhà bác học, có những nhiệm vụ không rõ ràng, nhưng cao thượng: và Uxpenxki đề nghị tôi đến Pari với ông trong tư cách thành viên của Đoàn đại biểu đồng thời là phiên dịch. Đề nghị của Uxpenxki đối với tôi vừa bất ngờ vừa thú vị vì nhiều nguyên nhân. Tôi vẫn thường xuyên liên lạc thư từ với các hội khoa học nước ngoài, một số công trình của tôi được in lại trong các tạp chí phương Tây nhưng bản thân tôi, nếu không kể mùa xuân năm bốn nhăm, thì chưa bao giờ ra nước ngoài. Nguyên nhân thứ hai không kém phần quan trọng: Tôi sinh ra tại thành phố Pari, tôi ra đời và sống ở đây cho đến bốn tuổi. Ở Pari trong nghĩa địa Pie la sedơ mẹ tôi đã được an táng. Tôi hầu như không nhớ mặt mẹ và nói chung, quãng đời Pari chỉ để lại trong tôi những hồi ức lờ mờ, nhưng đến bây giờ, khi đã bốn chín tuổi, tôi bỗng nhiên ao ước được đi dạo phố nhỏ Bidê lặng lẽ, tìm về ngôi nhà cũ, nhìn vào chiếc sân trong, nơi trí nhớ trẻ thơ dai dẳng sẽ giúp tôi đoán đúng những ô cửa sổ nhà chúng tôi ở cũ, hai ô cửa xanh xanh ở tầng ba, sau đó tôi sẽ ra nghĩa địa tìm mộ mẹ.
Toàn chuyến công tác cộng với thời gian đi về chỉ chiếm có 4 ngày, nhưng cùng với việc chạy thủ tục và chuẩn bị , tôi mất đứt một tuần lễ. Tôi trở về đầy ứ những ấn tượng và rất mệt, đêm cuối cùng ở Pari tôi hầu như không hề chợp mắt và rất hy vọng sẽ được ngủ bù ở nhà. Viện phó Anmazốp đón chúng tôi tại sân bay Vnucôvô và để không phải đến Viện, tôi đẩy cho ông tất cả tài liệu báo cáo. Dọc đường Anmazốp kể về những tin tức mới trong Viện nhưng Uxpenxki nghe ông ta có vẻ lơ đãng, với thái độ sốt ruột rất quen thuộc đối với tôi, thần sắc của ông không được khỏe nhưng tôi không nhận thấy điều gì đáng lo ngại. Người ta chở tôi đến bốn tacxi, và chỉ hai mươi phút sau tôi đã ở nhà. Tôi gặp lại nhà mình xếp dọn hết sức cẩn thận, chăn đệm mới tinh, con vẹt nuôi Mamađu được cho ăn uống chu đáo, và nhìn vào tủ lạnh, tôi hiểu rằng nó cũng không bị lãng quên, thần hộ mệnh của tôi chăm mom moị thứ không chê vào đâu được. Tôi cho Mamađu ra khỏi chuồng và một cuộc gặp mặt cảm động đã diễn ra. Mamađu không biết nói (chắc là tôi đã không chiụ nổi một con vẹt nói tiếng người) nhưng tôi thích nghe tiếng kêu líu ríu của nó, và nói chung chúng tôi hoàn toàn hiểu nhau. Người ta bảo rằng Paplốp rất giận khi các nhân viên của ông nói về súc vật như thể nó cũng yêu, hiểu biết hoặc buồn bã, vv... Đối với ông đó là sự phản bội thuyết phản xạ có điều kiện. Ở phòng thí nghiệm tôi hoàn toàn tán thành quan điểm của ông, nhưng ở nhà tôi cho phép mình tự an ủi bằng một ảo giác vô tội, rằng Mamađu quả thực mến tôi, buồn bã khi tôi vắng nhà và vui mừng khi gặp lại tôi. Tôi vừa ăn cơm vừa nói chuyện với Mamađu rồi sau đó thoải mái ngả người vào nệm, đọc lướt tờ báo và nghe nhạc - trên dải sóng cực ngắn người ta truyền các tiết mục của các danh ca cổ điển Ý, Vivanđi và chắc là cả Coreli... Một lúc sau tôi thiếp ngủ với hy vọng sẽ trở dậy lúc bảy giờ sáng để bắt đầu cuộc sống lao động đều đặn. Song , như các bạn đã biết, chương trình của tôi đã bị phá vỡ một cách bất ngờ. Tôi biết cách tự bắt mình làm việc, và ngay cả đêm mất ngủ cũngkhông làm tôi phải bỏ dở kế hoạch trong ngày. Buổi chiều tôi đọc lại " tác phẩm" của mình và càng khẳng định thêm tính đúng đắn của học thuyết Ukhtômxki về yếu tố chủ đạo (dominantes): Những gì tôi viết trong ngày tỏ ra hoàn toàn vô dụng. Dù tôi cố gắng thế nào đi nữa để tập trung tư tưởng nghĩ về một đợt thí nghiệm chúng tôi đã tiến hành, tôi vẫn cứ phải nghĩ về chuyện khác: Nghĩ về Bêta. Suốt ngày thì không sao rời bỏ được ý muốn vứt tất cả mọi việc, tóm lấy một chiếc tacxi nào đấy và không cần báo trước, xông thẳng vào căn nhà lớn không chút ấm cúng ấy, nơi tôi không hề tới suốt mấy năm sau chiến tranh. Nhưng sự ngăn cấm vẫn có tác dụng, và tôi không đi đâu cả. Rồi khi đêm đến, tôi hiểu rằng mình sẽ lại phải thức trắng. Ở phòng thí nghiệm của mình, tôi có thể bỏ ra hằng giờ đợi kết quả của một thí nghiệm chuẩn bị chu đáo, nhưng trong cuộc đời, tôi hết sức kém kiên nhẫn. Không gì nặng nề hơn đợi bình minh lên trong những đêm như thế này. Ngoài cửa sổ màn đêm màu mực thẫm. Từ trên cao tôi nghé nhìn xuống khung cảnh quen thuộc. Những cây bạch dương nghiêng nghiêng và ngôi nhà gỗ được bao quanh bằng một hàng rào đổ nát. Ngôi nhà ngoại ô điển hình, nửa có vẻ nông thôn, với chuồng gà bằng gỗ dán và những bụi phúc bồn tử già cỗi trơ trụi. Ngôi nhà trông có vẻ ọp ẹp và không chút mời mọc trên nền khu nhiều tầng mới xây đồng loạt bằng khối lớn. Màn đêm ngoài cửa sổ nhợt đi một cách chậm chạp, nhìn cảnh này cũng sốt ruột như khi rửa chiếc bút máy cũ , mực xanh cứ thôi mãi ra tưởng không bao giờ hết. Tất nhiên, tôi nghĩ về Uxpenxki. Những ý nghĩ cũng mờ mịt như tình cảm của tôi. Ở tuyến tiền duyên ngoài mặt trận tôi đã thấy nhiều chiến sĩ bị thương nặng. Họ không cảm thấy đau. Còn chưa kịp cảm thấy đau. Trong mắt mỗi người là một nỗi sửng sốt ngưng đọng. Tôi cũng đang cảm thấy một cái gì gần như sửng sốt. Sửng sốt, choáng váng...Có một thời nào đấy ở nước Nga cổ xưa, những từ ấy từng có nghĩa đen của nó: nên một đòn choáng váng vào mũ sắt, tra khảo đến sửng sốt ngây dại...Tôi cố gắng lý giải cho mình cái chết đột ngột này. Nó đã được ném lên đầu những ai từng gắn bó với người quá cố bằng hàng chục năm cùng công tác, bằng tình bạn, tình yêu... Trộn lẫn với nỗi đau đớn của tôi là một mối quan tâm thuần túy chuyên môn. Một trong những vấn đề phải bàn cãi nhiều nhất của sinh lý học là ranh giới giữa sự phát triển bình thường và sự phát triển bệnh lý của cơ thể. Uxpenxki có bị ốm hay không, và ít ra là ông có bị ốm đến mức cái chết là hậu quả tất nhiên của bệnh tật hay không? Vấn đề thứ hai, mãi đến bây giờ vẫn chưa giaỉ quyết được, lại gần với chuyên môn hẹp của tôi hơn - Đó là, vai trò của mật mã di truyền và của ngôi trường bên ngoài trong việc xác định tuổi cho con người . Những vấn đề này liên hệ trực tiếp với đề tài chuyên luận của tôi, trong đó tôi là một trong những người đầu tiên đưa ra khái niệm về độ tin cậy của cơ thể con người, và tôi hơi ngượng vì chúng làm tôi hết sức quan tâm - Nói cho cùng thì việc ông chết do cái gì không phải là điều quan trọng lắm, đáng nói hơn là những gì bây giờ đang đến với bêta, cô chắc cũng không ngủ, nằm trong phòng mình với hai mắt mở to hoặc đi lang thang trong căn nhà rộng đến mức không cần thiết và bỗng nhiên trở nên trống rỗng, hoặc đang ngồi trong phòng làm việc của Uxpenxki, trước chiếc bàn viết với những ngăn kéo bị rút tung ra để lục lọi giấy tờ và thư từ. Tôi kéo rèm che cửa, đi đến bên bàn viết và thọc tay vào ngăn kéo bí mật. Từ ngày tôi với Liđa bỏ nhau, không cần phải có chỗ cất giấu bí mật nữa, nhưng tôi vẫn giữ như cũ trong ngăn này một ít thư từ còn lại của Bêta, trong số đó có mẩu thư cuối cùng. Tôi nói một ít, vì toàn bộ thư từ trong những năm chiến tranh tôi đã đốt hết ở Berlin. Tôi đọc lại những lá thư ngắn ngủi ấy. Chúng rất trung tính, nhưng dù sao thì cũng hoàn toàn không giống của một ai. Tôi cố gắng tìm giữa các dòng một hàm ý nào đấy ngoài những điều đã viết, nhưng vô ích, chúng chỉ nói về những điều đang nói. Sau đó tôi lại kéo rèm. Màn đêm màu mực có nhạt đi chút ít, nhưng mặt trời hãy còn lâu mới mọc. Ngôi nhà tôi đang ở bắt đầu xây dựng từ trước chiến tranh và mới chỉ được hoàn thành cách đây không lâu. Trong toàn khu không tìm đâu ra một ngôi nhà thứ hai giống thế. Căn hộ tôi ở cũng thuộc loại độc nhất vô nhị và trông giống một xưởng họa hơn là diện tích ở. Dù danh chính ngôn thuận, nó chỉ có một buồng nhưng lại kéo từ tây - nam đến đông - bắc. Cửa sổ bán nguyệt của phòng tôi kết thúc phần trên của mặt chính và cửa bếp quay vào sân trong. Giữa phòng ở và bếp có một khoảng tối không có cửa sổ mà ông trưởng nhà gọi là "phòng đợi", còn epghênhia Dinbisnathì lại gọi là "phòng thượng". Cửa buồng tắm và phòng vệ sinh mở vào đây , ngay tại đấy có một phòng đệm tí xíu " phòng thượng" được gọi là diện tích phụ trợ nhưng không có nó thì tôi gay go to, tôi có vài ngàn cuốn sách, một kho tài liệu lưu trữ lớn, rồi thư mục, tủ lạnh và bàn ăn cũng đặt chỗ này. Đây cũng là nơi tôi tiếp những khách khứa ít ỏi của mình, còn trong phòng ở tôi chỉ ngủ và làm việc. Im lặng hoàn toàn, hàng xóm không có một ai, thang máy chỉ lên đến tầng bảy. Điều bất tiện duy nhất : ngay dưới phòng tôi ở là cửa vòm vào nhà có hai cánh cổng sắt, và về mùa đông, thậm chí qua hai lớp kính tôi vẫn phải nghe tiếng xe tải gầm gừ chở hàng đến cho các cửa hiệu chiếm hết tầng một. Tiếng cổng sắt ken két, những thùng sữa rỗng va vào nhau kêu loảng xoảng và tiếng các anh tài xế chửi nhau loạn xạ. Nhưng lần này thì tôi sốt ruột đợi cho tiếng động chẳng lấy gì làm thú vị ấy vang lên , càng sớm càng tốt, hoặc ít ra cũng một tiếng gà gáy sớm. Than ôi con gà sống duy nhất còn lại trong khu chúng tôi gáy rất thất thường, bản năng định giờ của nó đã bị gặm mòn với nỗi cô đơn. Tôi cũng cảm thấy một cái gì tươgn tự, và có lẽ đây là lần đầu tiên kể từ khi tôi sống ở đây, sự ẩn náu trở nên nặng nề đối với tôi. Rốt cuộc là tôi hèn nhát rời bỏ những nguyên tắc của mình, tôi tìm đâu đấy trong túi thuốc dã ngoại, còn lại từ hồi chiến tranh, được mấy viên thuốc đáng ngờ, không biết là nembutan hay bar-bamin, và lúc đã gần sáng, tôi thiếp đi trong một giấc ngủ nặng nề không chút sảng khoái.
Tôi nằm mơ thấy Nem-Butan bà Bar-Bamin, hai tướng lĩnh Axirin hung hãn với hàng râu đen xoắn tít và những cặp mắt gà sống đanh ác
(còn nữa)

THAO THỨC (tt)

2. CỤ ANTÔNHÊVICH:
Cụ Antônhêvích là một nhân vật huyền thoại. Huyền thoại không có nghĩa được ca tụng hoặc nổi tiếng. Có hai điều kiện cần thiết cho sự xuất hiện huyền thoại: sự quan tâm của dư luận và thiếu thông tin đầy đủ. Lúc bấy giờ, huyền thoại sẽ phát sinh hoàn toàn tự nhiên. Thời đại chúng ta khổ sở không phải vì thiếu thông tin mà lại vì thông tin thừa. Số phận của huyền thoại thế là tuyệt chủng. Không mấy ai biết đến cụ Antônhêvích ở ngoài giới hạn của Viện chúng tôi, nhưng trong Viện, cụ lại lừng danh, và như được bao quanh bởi một vòng hào quang bí hiểm. Không một ai biết được, bao giờ và bằng cách nào cụ Antônhêvích xuất hiện trong ngôi biệt thự ở phố Đêvitska nơi bây giờ Viện chúng tôi chiếm chỗ. Người ta ngỡ rằng cụ đã luôn luôn ở đây, đang ở đây và sẽ còn ở đây mãi mãi. Như một truyền thuyết, Viện xác nhận rằng, khi người sáng lập ra Viện là Viện trưởng tương lai Paven Đmítriêvich Uxpenxki lần đầu tiên gõ cửa biệt thự này, chính cụ Antônhêvích là người lúc đấy đã có mặt sẵn để mở cửa ra cho ông! Trong biên chế của Viện, cụ Antônhêvich được tính là người giữ mũ áo. Song điều đó không thể bao quát hết những chức trách của cụ và không xác định đúng vị trí của cụ trong tôn ti trật tự Viện chúng tôi. Phòng giữ mũ áo của chúng tôi là một ngách nhỏ tối tăm chật chội ngay trong sảnh vào, bên trái cửa đi. Trong đó có đặt một chiếc mắc áo cổ lỗ sỹ, một hòm đựng bàn chải đánh giày và bảng treo chìa khóa. Ngách này được ngăn cách với sảnh vào bằng một quầy gỗ, chắc chắn có mặt đứng sau quầy gỗ, tựa hai khuỷu tay vào mặt gỗ lật và nhìn thẳng về phía trước bằng đôi mắt lạnh lùng không chớp. Tất cả những người vừa đi từ ngoài phố vào, khi chạm phải cái nhìn ấy, không hiểu tại sao đều muốn cọ giầy ngay lập tức vào tấm thảm một cách thật cẩn thận. Cụ Antônhêvích mặt và họ tên từng người trong Viện, tất cả khách khứa nơi khác đến cụ phân loại ngay lập tức, rất chính xác, và mặc dù có lần người ta đã cấm cụ không được vặn hỏi khách xem họ đi đâu và làm gì, cụ vẫn nhìn họ thế nào đấy, làm họ cảm thấy yêu cầu bức bách phải hỏi cụ, và bằng cách đấy tự giới thiệu mình . Tất cả các cán bộ nghiên cứu mặc áo blu trằng khi làm việc, còn các nhân viên kỹ thuật thì mặc áo blu xanh. Cụ Antonhêvich mặc áo blu trắng và trên chiếc đầu hói nhẵn bóng cụ đội một chiếc mũ vải trắng hồ cẩn thận. Diện mạo của cụ đã đường hoàng như thế, phong thái của cụ lại rất bình tĩnh ung dung, làm cho những anh chàng lém lỉnh nhất cũng không dám suồng sã với cụ. Chúng tôi ai cũng gắn bó với Viện, và sự gán bó ấy hoàn tự nhiên, được truyền sang cho cụ- cư dân cao tuổi nhất của Viện, người tượng trưng cho tinh thần và truyền thống của Viện chúng tôi. Phòng giữ mũ áo chỉ phục vụ cho khách, nhưng trong ngách nhỏ của cụ già có thể nhìn thấy tất cả: từ các tiến sĩ khoa học bệ vệ, cho đến đám sinh viên thực tập và mấy cô tre trẻ, làm việc ở nhà nuôi vật thí nghiệm. Người nào đấy ghé vào chỗ cụ đánh đôi ủng, người khác tẩy vết bẩn trên quần áo, cô nọ thì vào để cứu vãn đôi tất bị tuột sợi. Cụ Antônhêvích có đủ mọi thứ : hồ dán, sáp, xăng, axêtôn, phấn, chỉ, đinh, dây, băng dính, kim băng. Có thể mượn cụ lược, búa, bàn là và cả kim móc. Cụ già biết sửa chữa tất cả mọi thứ trừ đồ điện. Cụ nói chung hà tiện, nhưng một số người đặc biệt tin cậy có thể giật tạm chỗ cụ ít tiền chờ đến kỳ lĩnh lương. Tất cả những sự tương trợ ấy cụ hoàn toàn không đòi hỏi phải được đền bù nhưng cụ lại rất thích nhận phần thưởng và bằng khen. Lần họp công đoàn nào, cụ cũng được bầu vào chủ tịch công đoàn và luôn luôn ngồi đúng một chỗ ở mép ngoài hàng đầu. Cụ ngồi rất thẳng, không động đậy, mắt nhìn vào hội trường. Không hiểu cụ có nghe người ta nói gì trên bục không, chắc là nghe, nhưng tôi không hề nhớ một lần nào cụ lên tiếng hoặc cười. Khi cuộc họp hoan nghênh, cụ cũng vỗ tay nhưng không hề thay đổi tư thế và sắc thái khuôn mặt. Ngay cả khi nhận một bằng khen nào đó cụ cũng không hề biểu lộ tình cảm và không thốt ra một lời nào mà chỉ nghiêng mình đáp lễ. Tôi sẵn sàng trả giá đắt để được chính mắt nhìn thấy buổi gặp gỡ đầu tiên giữa cụ Antônhêvích và Paven Đmitriêvích Uxpenxki. Đó là một cuộc gặp mặt lịch sử, lịch sử ở nghĩa thật của nó, bởi vì từ đấy bắt đầu lịch sử của viện chúng tôi. Nó đã diễn ra trước kỷ nguyên có tôi. Vị viện sĩ tương lai lúc bấy giờ hãy còn chưa nổi tiếng châu Âu và chưa có dáng điệu trịnh trọng tương ứng, mà chỉ là một anh chàng dài cẳng và gầy nhom, mặc áo capốt kỵ binh lụng thụng, đeo một cái ba lô thay cho các-táp và cầm một tấm thẻ to dễ sợ. Tấm thẻ này đã mở cửa cho ông vào ngôi biệt thự ở phố Đêviska và yêu cầu tất cả các cơ quan cũng như các nhân vật hữu quan "tận tình giúp đỡ đồng chí Uxpenxki". Trước khi cho người mới đến vào trong sảnh, cụ Antônhêvích ( lúc bấy giờ đã được gọi bằng cụ) bắt đồng chí Uxpenxki phải lau đôi ủng vấy bùn thật cẩn thận một lúc lâu, và sau đó , khi đã nghiên cứu kỹ tấm thẻ và xác nhận đó là của thật, cụ tuyên bố rằng sự giúp đỡ nói trong thẻ sẽ được thực hiện, nhưng với điều kiện : giữ trật tự, không di chuyển đồ đạc lung tung. không làm hư hỏng bàn ghế, không dây bẩn và cấm tiệt không được nuôi chó mèo gì hết. Sự khôi hài của tình thế là ở chỗ đồng chí Uxpenxki từ Lêningrát đến đây với một mục đích duy nhất: lập một phòng thí nghiệm ở Matxcơva với tư cách là phân nhánh của viện Páplốp và tiến hành một số thí nghiệm trên động vật. Tôi không muốn ba hoa về những điều chưa được chứng kiến, nhưng mọi người đều biết rằng không đầy một tuần sau đó trong ngôi biệt thự ở phố Đevitska đã vang lên tiếng cưa xoèn xoẹt và tiếng rìu chan chát. Trong những phòng nghỉ rộng rãi kiểu quý tộc được nối với nhau bằng những cửa cao, người ta dựng lên những vách ngăn bằng gỗ dán và trong các phòng phục vụ là những chuồng nuôi chó thí nghiệm đóng vội đóng vàng. Những tình tiết ít ỏi này tôi biết được từ một nguồn tin cậy nhất. Đó là người vợ trước đã quá cố của Uxpenxki, vêra Arcađiepna. Những lời đồn đại đã tô vẽ cho những câu chuyện này nhiều chi tiết bi hài kịch. Sau này khi người ta hỏi Uxpenxli, có phải mọi việc như thế không? Ông ta chỉ cười và nói " cũng gần như thế" có lần ông còn thừa nhận với tôi "ừ, đã phải đấu tranh nhiều". Tất nhiên đã phải đấu tranh nhiều, nhưng khi chúng tôi – Tôi và người bạn thời trai trẻ Aliôsa sutốp- lần đầu tiên bước qua ngưỡng cửa ngôi biệt thự ở phố Đêvitaska, Uxpenxki đã giành phần thắng hoàn toàn, cụ Antônhêvích bị khuất phục và chỉ còn có việc làm theo những gì ông nói. Thời ấy Uxpenxki hiểu người khác tốt hơn mấy năm gần đây, ông đã đủ cao thượng để dàn hòa với cụ Antônhêvích, một sự dàn hòa danh dự cho cả đôi bên, và nếu sau đó cụ Antônhêvích không trở thành trợ lý giám đốc hoặc ít ra cũng là trưởng nhà, thì đó không phải là lỗi tại tuổi tác, hoặc trình độ văn hóa thấp của cụ, mà là vì cụ có một nỗi sợ hãi thần bí trước những giấy tờ đại sự và thói quen không thể bỏ được là tự tay mình làm lấy mọi thứ. Đầy quyền thế và bướng bỉnh, cụ không sao có được thói quen cần thiết của một thủ trưởng là bắt người khác làm việc. Khi gọi Aliôsa Sutôp là người bạn thời trai trẻ, tôi đã nói đúng. Sự thật này đối với tôi như mũi kim đâm nhói vào tim. Lẽ ra chúng tôi phải là bạn tốt suốt đời, nhưng chính cuộc đời đã ném chúng tôi đi mỗi đứa một phương. Trong chuyện này tôi có lỗi nhiều hơn cậu ấy. Điều đó đã xẩy ra mà không ai để ý, như chẳng hề có nguyên nhân nào cả, chúng tôi luôn luôn khác nhau một trời một vực nhưng vẫn là bạn tốt của nhau, có phần còn bổ sung cho nhau. Tôi còn giữ lại được một tấm ảnh nhỏ thời sinh viên: hai đứa bạn khoác vai nhau, một anh chàng tóc vàng mảnh khảnh với khuôn mặt lém lỉnh của một vị thanh niên có giáo dục nhưng không được trọng vọng, quần áo khiêm tốn mà sạch sẽ, và một gã lực lưỡng có đôi tay dài ngoẵng, đeo kính gọng sắt buộc túm bằng một sợi chỉ thô chỗ sống mũi, mặc chiếc áo cao bồi phanh ra trên bộ ngực lông lá. Tôi không thuộc loại khô khan, và đối xử với các trợ lý rất cởi mở, nhưng theo tôi công việc trí óc đòi hỏi một sự khổ công liên tục và thậm chí đôi khi còn cần phải cầu kỳ. Aliôsa lại là một kẻ hậu đậu điển hình, hào phóng, táo tợn, ồn ào, say mê lung tung, trung thành tuy không đáng tin cậy tí nào. Thời còn là sinh viên, trông cậu ta giống một học sinh trường dòng và vẫn như thế cho đến vào trong viện làm việc. Chữ cậu ta thích dùng nhất là “sang trọng”. Cậu ta thường nói chữ này với một giọng rởm đời không thể chịu được, vừa nói vừa cười phì phì, chẳng biết là hào hứng hay khinh bỉ. Aliôsa và sự “sang trọng” là hai khái niệm hoàn toàn đối lập. Điều đó đã được chứng minh bằng sự kiện sau đây. Hồi đã ở trong Viện, có một lần cậu ta làm cho mọi người, và ngay cả chính mình, phải tròn xoe mắt ngạc nhiên vì bỗng dưng phải lòng cô Mila Phêđôrôva, hao hậu của chúng tôi, và cô này đang rất muốn lấy chồng, hẹn cho anh chàng gặp mặt. Nhân dịp này, Aliôsa mặc chiếc áo sơ mi tốt nhất bằng sợi hóa học của mình. Cái áo rất lộng lẫy và đắt tiền, nhưng cậu ta tự giặt và là lấy, bởi thế cổ áo bị quăn lại và chẳng còn ra hình thù gì nữa. Nhưng mọi chuyện lại được quyết định bởi chiếc cúc áo. Thay cho chiếc cúc thường bị rơi mất, cậu ta đính vội một chiếc cúc bọc vải trắng, loại thường dùng cho quần lót đàn ông. Khi nhìn thấy chiếc cúc này, cô Mila phá lên cười ngặt nghẽo, và như Xtăngđan nhận xét, tiếng cười ấy đã giết chết nỗi đam mê mới thành hình.
Chính cơn đói đã dồn chúng tôi vào ngôi biệt thự ở phố Đêvitska. Tôi và Aliôsa lúc bấy giờ học năm thứ nhất, và học bổng thì ít đến nỗi không đủ tiền ăn, thế mà chúng tôi lại còn có các nhu cầu khác nữa. Chúng tôi thường mua vé rẻ tiền đi nghe hòa nhạc của Malerhôn và xem biểu diễn ở phòng thu nhạc số ba, ngoài ra hai đứa còn thíchchũi mũi vào các cửa hàng sách cũ gần bức tường kitaigôrốt. Mỗi ngày ăn một lần trong nhà ăn sinh viên, rõ ràng không bù đắp được lượng calo mất đi và chỉ vài tháng sau chúng tôi bắt đầu đi loạng choạng, đôi khi còn ngủ gật giữa giờ thảo luận. Không thể tiếp diễn như thế mãi được, và có một lần, khi cùng đi từ trong cái sân sặc mùi dưa bắp cải khú của nhà ăn sinh viên ra phía quảng trường Malaia Brônna thoáng đãng, Aliôsa đã nói thẳng với tôi:
– Ôlếch
– Cậu ta vừa nói vừa cười khùng khục như mọi khi
– nếu chúng mình còn tiếp tục ăn ở cái nơi “s…sang trọng” này thì chả mấy chốc nữa sẽ xỉu mất thôi. Có thể còn giữ được cái thân hình loẻo khoẻo ấy cho đến hết học kỳ, nhưng về phần mình thì tớ không dám chắc. Ở thành phố tiểu thương Ranhembuốc, nơi họ hàng nhà tớ sinh cơ lập nghiệp, người ta đã làm tớ quen với thức ăn thịt. Tớ đã được chiều chuộng đến hư hỏng mất rồi.
– Aliôsa, thế cậu bảo chúng mình phải làm gì nào? Tớ chỉ biết có hai cách cải thiện tình hình
– lao động nặng nhọc hoặc đi ăn xin một cách nhục nhã. Cả hai cách đều đã được thử nghiệm.
– Tờ đề nghị cách thứ ba.
– Ví dụ?...
– Tớ có để ý một con chó…
– Cậu định bảo thịt nó à?
– Đừng có diễu nữa ta sẽ thịt nó, nhưng không phải theo nghĩa đen, mà người ta sẽ trả tiền cho chúng mình.
– Aliôsa
– Tôi nói sau một giây suy nghĩ
– Cái trò này tớ chả mấy thích thú lắm đâu.
– Tất nhiên đây không phải là một hành động “sang trọng” rồi. Nhưng biết làm sao được. Cậu đã rộng lượng mà nhận xét một cách xác đáng, rằng người ta trả tiền cho công lao động hoặc cho nỗi nhục nhã. Tớ đã đưa ra phương án dung hòa tuyệt diệu. Hơn nữa cậu không phải lùng con chó ấy đâu. Đã ba hôm nay bà chủ nhà của tớ trông nó, và tớ bớt khẩu phần của mình cho nó ăn đấy chứ.
– Rất tuyệt, cậu có một con chó. Còn tớ thì liên quan gì nào?
– Ôlêch. Trên khuôn mặt trứng cá gồ ghề nhưng đáng yêu vô cùng ấy tôi đọc thấy một nỗi thất vọng thật sự – Ôlêch, cậu cho phép tớ nhắc lại rằng, tớ với cậu không những là bạn bè mà còn là người cùng tên ( Cả ôlêch và Alêcxây đều có thể gọi âu yếm là Liôsenka) và cho đến bây giờ tớ với cậu chung nhau mọi thứ – từ các quan điểm khoa học cho đến phiếu ăn. Tại sao ta lại không thể chung nhau một con chó. Mới đầu ta chỉ cần có nó là đủ.Hơn nữa tớ lại bắt đầu thấy mến con vật này, vì vậy tớ cần một người bạn để chia sẻ tội lỗi, bởi chung tội lỗi tập thể, hoặc người ta còn gọi là “hội đồng”, thì dễ chịu đựng hơn tội lỗi cá nhân.
Cùng ngày hôm ấy chúng tôi đến chỗ bà chủ nhà trông con chó, và thấy cả hai rất cau có. Aliôsa tất nhiên đã thêm thắt rằng cậu ta bớt khẩu phần của mình cho chó ăn, kỳ thực thì bà chủ nuôi nó đã hai ngày và đến ngày thứ ba thì bãi công. Chúng tôi đã tìm cách đấu dịu với bà và dỗ dành để bà tin vào kế hoạch làm giàu nhanh chóng của chúng tôi, và nếu chúng tôi làm được điều đó thì chỉ vì bà chủ góa chồng – cho Aliôsa thuê phòng – cũng là người quê ở thành phố Ranhenbuốc tuyệt diệu, thành phố nằm ngay giữa vùng Riadan, thời bây giờ còn là một tỉnh lẻ. Theo những quan sát của tôi thì người quê ở thành phố ấy thường rất cả tin và rộng rãicó tình cảm đồng hương gắn bó hơn hẳn người khác. Sau đó chúng tôi cho con chó ních căng bụng một lần cuối cùng rồi dong nó ra bến tàu điện chúng tôi tìm mọi cách để đưa con vật lên cửa sau toa rơmoóc nhưng vô hiệu, người ta đuổi chúng tôi xuống và còn may chưa phạt cho một trận nên thân, bởi chắc họ hiểu có làm thế cũng vô ích mà thôi. Mãi đến chiều hôm đó, mệt rã rời, Aliôsa và tôi cùng với con chó buộc xích bước vào trong sân “ ngôi dinh thự kiểu thành phố cuối thế kỷ 18” và bấm chuông. Cụ Antônhêvich ra mở cửa cho chúng tôi.
Cần phải nói ngay rằng cụ đón chúng tôi không chút cởi mở, bắt phải chờ rất lâu rồi mới cho vào sảnh, và khi chúng tôi vào rồi, cụ lặng lẽ nhìn con chó một cách khinh bỉ, đến nỗi làm chúng tôi sẵn sàng hiến không nó, và chắc là đã làm như vậy rồi, nên đúng lúc ấy Uxpenxki không bước vào. Tôi vẫn còn nhớ ông lúc đấy như thế nào, dù đã ba mươi năm trôi qua kể từ ngày đầu gặp mặt: Cao, gầy, cân đối như người vùng Capeazơ, mặc chiếc áo lính, thắt lưng ngoài bó chẽn đi giầy lông, đôi tất đen phủ ra ống quần đi ngựa chẽn gấu, trẻ trung như thanh niên, mặc dù tóc đã hoa râm và có cái nhìn nhanh nhẹn trong đôi mắt sáng, vui vẻ và táo tợn.
Ông ta bước vào và đã quyết định quãng đời nhiều năm về sau của chúng tôi. Ông hiểu rõ mọi việc ngay lập tức và phá lên cười. Sau đó ông ta lệnh nhận con chó và trả tiền cho chúng tôi với giá cao nhất “ thưởng sáng kiến’ ông ta bảo thế.
Một bà cụ có vẻ khó tính xuất hiện, và dẫn con chó đi. Về sau chúng tôi mới biết đấy là vợ cụ Antônhêvich. Con chó giằng lại không chịu đi và nhìn chúng tôi bằng cặp mắt trách móc. Chúng tôi cũng chuẩn bị về thì Uxpenxki tự dưng muốn biết chúng tôi là ai. Sau khi biết tôi là sinh viên y khoa, còn Aliôsa học ở khoa sinh vật, ông đề nghị chúng tôi đi xem phòng thí nghiệm đặt ở phía phòng họp bây giờ. Nếu hôm nay mà được xem lại cảnh ấy chắc chúng sẽ ngán ngẩm vô cùng
– Phòng thí nghiệm bố trí luộm thuộm, trang thiết bị rất thủ công, với mùi xác ướp quen thuộc trong phòng giải phẫu. Nhưng vào thời ấy, tất cả chúng tôi, kể cả chủ nhiệm phòng thí nghiệm, đều chưa đánh mất khả năng tưởng tượng trẻ thơ để có thể nhìn ba chiếc ghế dựng ngược thành một đoàn tàu tốc hành, nhưng cái chính là vì Uxpenxki đã giúp chúng tôi nhìn vào tương lai của phòng thí nghiệm, mà quả thật lúc bấy giờ nó đang chuẩn bị mở rộng thành một Viện nghiên cứu độc lập. Sau đó ông mời chúng tôi uống chè với bánh bích quy “ Anbert”, và đã chinh phục chúng tôi hoàn toàn bằng sự giản dị, tính hóm hỉnh và sự táo bạo vô hạn trong những dự án của ông ta. Khi chia tay, Uxpenxki cho phép chúng tôi vào đấy bất cứ lúc nào, và một tuần sau chúng tôi đã cảm thấy ngôi biệt thự ấy thân thiết như nhà mình, chúng tôi thường đến đấy đốt lò, rửa ống nghiệm, bắt lũ chuột và những con mèo hoang. Để trả công, chúng tôi được phép có mặt trong các buổi thí nghiệm, và chúng tôi đã nhanh chóng hòa lẫn với biên chế ít ỏi của Viện, trong đó có nhiều cậu tính tình rất hay và chưa có học vị gì cả. Chúng tôi cũng làm quen với người vợ trứơc của Uxpenxki, Vêra Areadiepna, một người đàn bà lặng lẽ và hay đau ốm, già hơn ông ta một vài tuổi. Thời ấy còn chưa thịnh hành lối chỉ tay năm ngón quyền thế như bây giờ, và chúng tôi không hề câu nệ khi đối xử bằng vai phải lứa với Uxpenxki, nhưng điều ấy không hề cản trở việc chúng tôi coi ông như là uy tín tuyệt đối trong khoa học. Tôi nói gần như, vì ông ta không những cho phép, mà còn yêu cầu chúng tôi tranh cãi với ông. Ông thích tranh luận và thường tranh luận rất cứng rắn và không khoan nhượng, mặc dù chúng tôi hoàn toàn không cân sức với ông, ông rất giận mỗi khi chúng tôi thỏa hiệp quá nhanh chóng. Tranh luận là niềm say mê của ông, và như thể đoán trước được những cuộc đọ sức sau này, ông không bỏ một dịp nào có thể diễn tập được. Vêra Areadiepna không tham dự vào những cuộc tranh luận của chúng tôi, nhưng mỗi khi thấy trong cơn vật lộn say sưa, Uxpenxki bắt đầu nói nặng lời và không kiềm chế được các cử chỉ của mình, bà ta lại vừa cười vừa nói chỉ có hai tiếng " Pa-sa" hoặc chen vào một câu nào đó rất ngắn ngủi, và chúng tôi bao giờ cũng kinh ngạc trước ma lực của những lời nói đó đối với Uxpenxki. Đối với tôi và Aliôsa, Vêra Areađiepna ân cần như một người mẹ, bà thỉnh thoảng lại gọi chúng tôi đến cho ăn. Chỉ có quan hệ của chúng tôi với cụ AnTônhêvích là có vẻ chật vật. Cụ không thích chúng tôi và thường hay gây sự. Một thời gian dài tôi không sao hiểu được nguyên nhân của sự khó chịu ấy và chỉ mãi sau này mới biết - đó là sự ghen tức. Cụ già có tính tự trọng cao, và như phần lớn những người tự trọng khác, cụ có tính hay ghen tức. Cụ không chịu được ý nghĩ rằng có những thằng bé nào đó vừa bước từ ngoài phố vào lại có thể trở thành những người thân thiết trong tập thể ngay. Chắc chắn lúc bấy giờ cụ biết rõ hơn chúng tôi nhiều về những nét nguy hiểm trong tính tình của sếp. Uxpenxki là một con người sauy mê. Ông rất tin yêu người khác. Để rồi sau đó lạnh nhạt. Trong chuyện này chẳng có chút tính toán nào. Ông chỉ nham hiểm như là thời tiết. Ngoài ra ông còn thích những kẻ ngồ ngộ. Aliôsa làm cho ông thấy khoái chí. Cụ Antônhêvich cũng làm ông khoái nhưng theo một kiểu khác. Ông cụ hoàn toàn không biết khôi hài là gì và bao giờ cũng hiểu chỉ mỗi một nghĩa đen. Đìâu này làm cho Uxpenxki đắc chí nhất, và cụ già nhiều khi hơi bực mình vì không hiểu những lý do khiến sếp vui vẻ. Bây giờ thì mọi thứ đã đổi thay. Aliôsa đã từ lâu không còn trong Viện nữa, và người duy nhất còn nhớ đến cậu ta với một sự âu yếm pha đôi chút khinh bạc là cụ Antônhêvich. Tôi thì cụ từ lâu đã trở nên kính nể, và theo người ta nói thì cụ tính tôi là người đáng trọng nhất trong Viện ( tất nhiên sau Uxpenxki). Dựa trên cơ sở nào mà cụ tin như vậy, tôi không được biết, nhưng ông cụ hoàn toàn chắc chắn vào điều ấy, và tôi tìm thấy sự giải thích, rằng mọi lòng tin bền vững nhất thường chẳng cần có cơ sở nào cả. Ông cụ đã ghen tị một cách vô ích - suốt ba mươi năm làm việc với Uxpenxki, có lẽ cụ là người duy nhất không phải chịu đựng những thất thường trong tâm trạng của Uxpenxki, và trong quan hệ của ông đối với những người xung quanh. Tất cả các cán bộ hành chính - quản trị của chúng tôi, kể cả Viện Phó Anmazốp bây giờ, đều bắt đầu sự nghiệp bằng cách cố gắng gạt bỏ cụ Antônhêvich . Họ nói rằng đã đến lúc cấm nhân viên treo mũ áo trong phòng thí nghiệm, cần phải làm một nơi giữ mũ áo hiện đại và mời người đến làm việc cẩn thận để họ có thể bồi thừơng vật chất nếu chẳng may bị mất mát cái gì? Nhưng Uxpenxki đã không bỏ rơi cụ già. sau khi vợ cụ Antônhêvich mất (bà chết năm bốn tư, gần như cùng lúc với Vêra Arecađiepna) Uxpenxki trái với mọi luật lệ, đã cho cụ già nghỉ ba tháng. Phòng giữ mũ áo đóng cửa, cụ già về nghỉ hè ở mạn Bêlôvezơ, nơi bà con cụ sinh sống, và mãi đến đầu tháng chín mới quay trở lại viện. Về phía Uxpenxki đấy là một sự gắn bó thật sự có pha lẫn một cái gì đấy gần như sự mê tín. Tôi không thể nhớ hết những chuyện bịa đặt người ta kể về cụ già suốt ba mươi năm qua. Đây thật sự là một truyền thuyết từ thế hệ này sang thế hệ khác và thường bộc lộ trong những câu gợi ý mà cụ già không hiểu, trong các tiết mục hoạt cảnh thường xuyên của Viện mang cái tên hơi ghê ghê "Sự mổ xẻ sẽ chỉ rõ”. Những hoạt cảnh này đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt của Viện, và có nhiều lúc nhiều người khác nhau muốn chấm dứt chúng đi, nhưng bao chúng cũng lại hồi sinh như chim phượng hoàng từ đống tro tàn.
Lệnh cấm cuối cùng trong thời kỳ sau chiến tranh đã xuất phát trực tiếp từ Uxpenxki, và việc con người thông minh, hóm hỉnh và không nhỏ nhặt ấy có thể nổi cơn thịnh nộ trước những câu châm chọc vô hại, đối với chúng tôi kh6ong chỉ bất ngờ mà còn là tín hiệu báo trước những điều chẳng lành sắp xảy đến. Không phải ngẫu nhiên người ta thường bảo” Đuổi gió vào cửa đi, nó sẽ nhảy qua cửa sổ”. Sau khi bãi bỏ hoạt cảnh thừơng kỳ, truyện dân gian truyền miệng lại nở rộ về cụ Antônhêvích. Bằng sự nỗ lực của những tay lém lỉnh, cụ già đã biến thành một sinh vật bán thần thoại canh giữ dinh thự thành phố cuối thế kỷ thứ 18, một nhân vật uyên bác trong sự dốt nát cùng cực của mình. Cứ ba nghiên cứu sinh thì có một cậu biết cách nhại lại giọng nói thủy tinh của cụ, người ta gán cho cụ những câu châm ngôn chắc chắn không phải do cụ nghĩ ra và những nhận xét phê phán mà tác giả của chúng không hiểu sao lại muốn giấu tên. Cũng như mọi sự phóng đại, những câu chuyện tào lao này cũng có chứa đôi chút sự thật. Tất cả mọi chuyện ly kỳ đó thế này hoặc thế khác đều xoay quanh những đức tính có thật của cụ: tuổi tác, sức khỏe, sự bướng bỉnh, lòng trung thành, tính hà tiện và sự thẳng thắn của cụ. Trong lúc đó thì không một ai ngoài Uxpenxki biết chắc chắn về cuộc đời cụ, mặc dù cụ sống ngay trong Viện, không một ai bếit được, khi đứng sau quầy gỗ phòng giữ mũ áo, cụ nghĩ về những gì.
Tôi không muốn mua vui độc giả giả định bằng những câu chuyện bịa đặt của đám nghiên cứu sinh. Ngược lại, tôi tìm cách cạo sạch lớp vỏ huyền thoại bám lên cụ và kể về vài chuyện thật mà về độ chính xác, tôi có thể bảo đảm hoàn tòan.
Chuyện đầu tiên xảy ra vào mùa xuân năm bốn tám, khi đợt sóng tu chỉnh tràn qua nhiều cơ quan khoa học. Những nhà di truyền học hình thức, những người phản đối các phương pháp của Viện sĩ Luxencô, những môn đệ của Menđen và Morgan, những người quá ủng hộ thuyết tương đối và mơn điều khiển học lúc ấy mới ra đời đềi bị đem ra phê phán công khai.
Nhưng tôi đã đi chệch ra khỏi câu chuệyn về cụ Antônnhêvích. Có lẽ tôi đã nói rằng cụ già luôn đứng sau quầy gỗ của phòng giữ mũ áo, tựa khủyu tay vào mặt gỗ sồi. Điều này không hòan toàn chính xác. Trong những phiên họp công khai của Hội đồng khao học, những buổi bảo vệ luận án trước công chúng và những hội nghị khoa học, cụ già Antônhêvích vừa quan sát một cách tinh từơng lối vào và gia 1treo mũ áo, vừa tìm cách đứng rất lâu trước cánh cửa mở hé của phòng họp và nghe ngóng. Cụ có hiểu gì lúc ấy không? Có trời mà biết được. Ngay cả những bộ óc giầu tưởng tượng nhất trong số bọn trẻ viện chúng tôi cũng không dám khẳng định rằng cụ già có thể hiểu được ngôn ngữ của những bản luận án và tóm tắt luận án của chúng tôi, ngược lại, mọi người đều biết rằng, mặc dù ngày nào cũng quan sát bức tượng bán thân của Iliailits Metsnhicốp đặt trong Viện, nhưng cho đến bây giờ cụ Antônnhêvích vẫn không hề biết đó là ai. Và chắc chắn không chỉ mình tôi tò mò muốn biết lý do gì đã khiến cụ Antônnhêvích, một ngừơi rất hoạt bát dù ít khi di động, đã phải đứng hàng giờ nghe những bài diễn thuyết được nói bằng một thứ tiếng cụ không sao hiểu được. Thứ tiếng ấy lại càng trở nên bí hiểm hơn nữa, vì thỉnh thoảng cụ lại nghe thấy những từ tiếng Nga quen thuộc. Cuối cùng tôi đã khám phá ra bí mật ấy, khám phá một cách hoàn toàn bất ngờ.
Điều đó xẩy ra vào ngày thứ hai của khóa họp bất thừơng của Viện chúng tôi, được nhớ lại như là khóa họp “ chống chủ nghĩa Mantúyt mới”. Tại sao các bác học nổi tiếng và lớp trẻ đầy tài năng bị đấu tố hôm ấy lại bị buộc tội là theo chủ nghĩa Mantúyt mới, bây giờ tôi vẫn chưa được rõ lắm, nhưng tôi nghĩ họ hoàn toàn có thể bị buộc tội là theo chủ nghĩa Cantơ mới, chủ nghĩa siêu thực hoặc chủ nghĩa phô trương (1). Bây giờ thì tôi đã nghiền ngẫm kỹ những gì xảy ra hồi đấy, nhưng bao giờ có dịp ta sẽ bàn sau. Trái với truyền thống, phiên họp khai mạc lại diễn ra không phải trong phòng họp khiêm tốn của Viện chúng tôi, mà lại một trong những phòng hòa nhạc lớn nhất Matxơcơva, với sự tụ tập đông đủ của một công chúng tam khoanh tứ đốm bị thu hút đến một phần vì sự tò mò cố hữu về các vấn đề sinh lý học lứa tuổi, một phần vì gian căng tin sang trọng và những quầy bán sách báo và hàng công nghệ phẩm bày la liệt khắp tầng một; người ta bán cho đại biểu và káhch khứa những bản xinnê của Sếcxpia do Marsăc dịch và bút bi cũng như tất ni lông ngoại vừa mọi cỡ chân. Nhưng có lẽ phần lớn công chúng bị hấp dẫn bởi cơ hội được chứng kiến những cảnh tượng hiếm có và họ đã được thỏa mãn. Trên bục Chủ tịch đoàn đồ sộ được rọi sáng bằng những đèn chiếu nóng rực có thể nhìn thấy nhiều nhân vật nổi tiếng với huân chương đầy ngực, họ hoàn toàn áp đảo các thành viên của Hội đồng khoa học Viện chúng tôi. Trong số ba diễn giả chính hôm ấy chỉ có một mình Uxpenxki là chuyên gia sinh lý học. Cách đây không lâu tôi có đọc lại biên bản tốc ký bài phát biểu của ông ta với một cảm giác lạ lùng: mới chưa đầy mười năm trôi qua mà những điều ông nói lúc đấy đọc lên nghe có vẻ như sặc mùi chủ nghĩa kinh viện trung cổ. Về diễn biến của cuộc hội thảo đóng một vai trò bất hảo trong lịch sử Viện chúng tôi, có thể kể rất nhiều điều, nhưng đối với trường hợp này, chỉ cần nhớ như sau là đủ. Đó là một cuộc đấu bò tót kéo dài ba ngày, trong đó sừng những con bò đã được cưa cụt trước, và muốn trở thành người đấu bò, không cần phải khéo léo, cũng chẳng cần phải dũng cảm.
Đã chẳng hề có tranh luận gì hết. Ở phiên họp đầu tiên cũng không, mà ở các phiên họp sau kém phần long trọng hơn tổ chức tại phòng họp Viện chúng tôi cũng không nốt. Có lẽ cảm giác nặng nề để lại trong tôi là về phiên họp thứ hai vào buổi chiều, lúc Vđôvin, người được tôi chăm chút và người có bản luận án quá yếu đã được chúng tôi chung sức vực lên, bất ngờ tấn công và đánh gục một trong những nghiên cứu sinh tài năng nhất, Liusa Xlavin. Con lừa cái của giáo hòang Valam đột niên cất tiếng nói, và với một giọng trầm vang dội đến nỗi nhiều con tim đã phải run lên vì những linh cảm chẳng lành. Vđôvin đứng trên bục, ngay dưới bảng đá hoa cương có khắc những chữ vàng câu danh ngôn của mác, rằng trong khoa học không có những con đường mòn rộng thênh thang, mà đay nghiến Iliusa, vì cậu này đã đầy môn sinh lý học lứa tuổi đi chệch hỏi con đường rộng thênh thang do các nhà bác học xô-viết mở ra!
Hắn còn công kích bản luận án mới được hoàn thành và chưa rời bốn bức tường phòng thí nghiệm của Xlavin, một bản luận án dù còn nhiều điều phải bàn, nhưng đầy tài năng và táo bạo. Tôi nhìn Uxpenxki. Ông ngồi trên ghế chủ tịch đoàn với một vẻ ghê tởm và xa lạ. Sau phát biểu của Vđôvin tôi đứng dậy đi ra ngoài. Tôi không hút thuốc, nhưng giữa lúc ấy tôi thấy dễ thở hơn ngay ở trong hành lang mù tịt khói thuốc lá. Khi bước qua cụ Antônnhêvích đứng cạnh cửa, tôi bắt gặp cái nhìn của cụ và bất chợt khám phá ra rằng cụ hiểu những gì đang xẩy ra trong phòng họp, hiểu cũng như tôi, và như bây giờ tôi nghĩ lại, có khi còn rõ hơn cả tôi lúc ấy. Tất nhiên cụ không thể biết “quần thể” là gì, và tại sao chủ nghĩa Lamáck (2) lại không tốt, nhưng cụ phân biệt rõ ràng sự độc ác kèn cựa, nỗi nghi ngờ và sợ hãi đang ngự trị, trong phòng họp vốn bình lặng của chúng tôi.
Vào thời đó tôi còn ngây thơ và tự tin đến mức sau cuộc họp gọi Vđôvin đến tìm cách khuyên ngăn. Tôi đã mất mặt hoàn toàn.
Vđôvin, kẻ trước đây sùng bái sự uyên bác và quân hàm cấp tướng của tôi, bây giờ trả lời tôi lễ phép nhưng lẩn tránh, thậm chí còn có vẻ tay trên. Hắn muốn cho tôi hiểu rằng hắn đã phát biểu theo yêu cầu của nghĩa vụ công dân và lương tâm khoa học, và hắn rất ngạc nhiên thấy rằng trước đây tôi luôn luôn tán tàhnh tự do trong tranh luận khoa học, nhưng giờ đây lại muốn bịt mồm hắn lại. Cũng như trong trận đấu tay đôi với Mác, hắn đã thắng tôi một–không.
Chúng tôi đi ra khỏi viện lúc mọi người đã về hết. Khi đi ngang qua tiền sảnh tranh tối tranh sáng, tôi nhìn vào sau quầy gỗ phòng giữ mũ áo và thấy Iliusa Xlavin ngồi trên hòm đựng bàn chải đánh giầy. Cậu ta đnag nhai một khúc giò, và trên sàn vứt lăn lóc một chai phần tư lít. Cụ già Antônhêvích đứng ngay cạnh, và khi nhìn tấhy chúng tôi, cụ cố tìm cách lấy vạt áo choàng trắng che khuyất Xlavin. Như thế là ông cụ kiết xỉ và không uống rượu ấy đã làm cái điều mà không một ai trong số bạn bè nghĩ ra, chẳng lý sự dài dòng, cụ kiếm đâu được một ít vốt-ca và dùng nó để an ủi cậu chàng vừa bị một đòn choáng váng. Cụ nhìn Vđôvin đầy căm giận và nhìn tôi với vẻ trách móc.
Buổi sáng của phiên họp cuối cùng tôi đứng dậy phát biểu. Lúc ấy nhiều người trong đó có cả tôi, đã cho rằng đấy là một cử chỉ đầy lòng dũng cảm của một công dân. Không tranh cãi nội dung chính, tôi chỉ nói rằng không một ai có quyền đánh giá một bản luận án chưa hoàn thành và cũng chưa công bố để tảho luận rộng rãi, nhân tiện tôi đã bác bỏ được một vài nhận xét cá biệt của Vđôvin và vạch trần sự dốt nát sơ đẳng của hắn. Tôi đã gây ra được tiếng cười trong phòng họp, nhưng ngay cả cố gắng quá ư rụt rè ấy để bảo vệ lòng tự trọng cũng đã làm nổi lên nhiều tiếng la ó khó chịu, té ra Vđôvin có rất nhiều giọng hòa xướng trong số những người trước đây im lặng. Uxpenxki ngồi như mọi khi, rất thẳng, trong đôi lưỡng huyền như hóa đá của ông tôi đọc thấy một nỗi căm giận điên cuồng. Ông đã ghê tởm khi nghe Vđôvin nói. Nhưng khi nghe tôi, ông còn thấy khó chịu hơn. Trong phòng họp chật cứng, hết sức ngột ngạt, cửa ra vào sảnh mở toang và từ trên bục lúc nào tôi cũng thấy thấp thoáng chiếc áo choàng trắng của cụ Antônhêvích. Và có thể tôi đã là người phải chịu trách nhiệm một phần vì việc hôm đó, lần đầu tiên trong lịch sử viện chúng tôi, có ai đã lấy cắp mất từ phòng mũ áo một chiếc bành tô quân phục của một vị khách quý, tiến sĩ y học, giáo sư, nhà họat động khoa học công huân. Viện sĩ chính thức Viện hàn lâm y học Liên xô, v.v…và v.v…, người được tất cả biết đến dưới biệt hiệu “ nhà phẫu thuật vĩ đại”. Tại sao người ta lại lấy cắp chiếc bành tô ấy, cái áo tốt đắt tiền, nhưng dù sao cũng chỉ là quân phục, mà lại để yên chiếc áo choàng lông thú và chiếc bành tô ngoại bằng da lộn, đến bây giờ vẫn không ai biết. Vụ trộm không hề bị khám phá ra. “ Nhà phẫu thuật vĩ đại” hết sức bực mình. Không phải ông khó chịu chỉ vì mất áo, chắc chắn là ông không chỉ có một chiếc, nhưng ông tức giận vì đã bỏ phí ba ngày dự khóa họp, ông tự giận mình vì cách đấy mấy phút đã tán thành một nghị quyết phản đối một cách mù quáng những công trình nghiên cứu mà ông chưa hề đọc, ông giận Uxpenxki đã cố tình kéo ông vào chủ tịch đòan; dưới ánh sáng của đèn chiếu và những chớp lòe của hàng chục máy ảnh phóng viên.
Khác hẳn với phong thái dịu dàng mềm mỏng hàng ngày, ông tỏ ra rất khắc nghiệt với cụ Antônhêvích. Ông bảo rằng sẽ bắt Viện bồi thừơng, và ngồi trên chiếc xe Pôbêđa của mình phóng đi khi hãy còn bừng bừng tức giận.
Biến cố này lập tức được cả Viện biết đến và một thời gian nào đó nó đã làm dịu đi không khí nặng nề sau phiên họp, nhờ tính khôi hài gợi lòng trắc ẩn của nó. Sự thông cảm đối với cụ già vừa bị một đòn choáng váng, đã có một lúc nào đấy liên kết được nhiều người , dù thuộc những xu hướng khác nhau, tuy thế vẫn nhất trí thông qua được một nghị quyết kêu gọi đoàn kết. Những người quen cụ già không thể không hiểu rằng bi kịch đã xảy ra và vấn đề không phải giá trị của chiếc áo bành tô cấp tướng, mà ở cảm giác có lỗi, ở uy tín bị lung lay và lòng tự hào bị tổn thương của một vệ sĩ cho đến bây giờ vẫn chưa hề bị trách cứ một lần nào. Người ta sợ rằng cụ già sẽ ốm nhưng qua ngày hôm sau , mặc dù gầy rộc hẳn đi, cụ vẫn đứng nguyên vị trí của mình. Tôi có cảm giác rằng hôm ấy người ta nói về chiếc bành tô bị mất nhiều hơn là bình luận về phiên họp. Các cậu nghiên cứu sinh châm biếm dài dòng nhưng buồn bã, thậm chí người ta còn nhắc đến Akaki Akakiêvich (3), nhưng chủ yếu là về sự tương phản chứ không phải sự giống nhau giữa hai tính cách , dù sao thì trong tình huống này cũng có một cái gì đấy rất Gôgôn. Cuối ngày hôm ấy Uxpenxki gọi điện cho tôi và mời đến gặp ông. Tôi đi với dự cảm nặng nề về một cuộc nói chuyện chẳng lấy gì làm thoải mái, liên quan tới bài páht biểu của tôi hôm qua. Uxpenxki đón tôi với khuôn mặt sa sầm, ông hỏi về những chuyện vặt vãnh nào đó nhưng không hé một lời nào về phiên họp. Chúng tôi quá gần gũi với nhau để có thể chơi chữ và cũng đủ cách biệt để không phải thành thật hoàn toàn. Một thời kỳ của những phút giây im lặng và những điều không bao giờ nói hết đã đến trong quan hệ giữa chúng tôi và sẽ còn nhiều năm trôi qua trước khi chúng tôi lại có thể nói với nhau cởi mở như cũ, đúng ra thì thời kỳ ấy đã bắt đầu sớm hơn, nhưng vì những lý do khác hoàn toàn riêng tư … Câu chuyện chiều hôm ấy diễn ra trong căn phòng giám đốc ốp gỗ bạch dương Caren của Uxpenxki, nơi những bức tượng đầy râu nhìn tôi với cặp mắt trống rỗng từ trên nóc các tủ sách. Tôi đã chuẩn bị về thì ông chợt hỏi, cố ra vẻ không có gì quan trọng:
– Nhân tiện tôi muốn hỏi, thửa một cái bành tô thì tốn bao nhiêu tiền? Rõ ràng ông thích chữ “thửa” này.
– Bành tô nào? Tôi hỏi hơi bối rối.
– Như cái của cậu ấy.
Ông biết rằng ông hỏi ai. Lúc bấy giờ tôi vẫn còn phục vụ trong cục quân y, và sau khi đã nhận quân hàm thiếu tướng, tôi mặc quân phục đi làm thừơng xuyên hơn mức độ cần thiết. Chịu được – Uxpenxki nói, khi tôi cho ông biết giá dưới thời Nicôlai Pankin, một chiếc bành tô có lông rái ác viền cổ chắc phải đắt hơn nhiều– Có mấy cậu tốt bụng trong chấp hành công đoàn cơ sở yêu cầu tôi thưởng cho cụ già để bù cho việc mất mát. Dại dột. Thứ nhất dù có muốn thế nào đi nữa, tôi cũng không thể cho cụ nhiều hơn mức lương. Thứ hai là – ông bỗng nhiên bật cười – Nếu chúng ta bắt đầu thưởng cho những người mắc khuyết điểm, tôi sợ rằng nhiều người sẽ muốn được như thế. Tóm lại là thế này
– Ông rút từ trong ngăn kéo ra một gói nhỏ buộc cẩn thận – Tôi rất muốn nhờ cậu đến chỗ Mxtixlap Alêcxanđrôvich, cậu chả quen ông ấy chứ gì? Cậu đưa tiền và nói chuyện với ông ấy được chứ; như là câu chuyện giữa các vị tướng với nhau ấy mà!
– Chỉ với một điều kiện – Tôi nói – Tội vạ gì cả hai cùng chịu!
Ngày hôm sau tôi gọi điện thoại cho “ nhà phẫu thuật vĩ đại” và tối hôm ấy đến chỗ ông ta. Mxtixlap Alecxanđrôvich cực kỳ tốt bụng đón tôi vui vẻ như mọi khi, chẳng những không kênh kiệu, ông ta lại còn tỏ ra khó xử vì đã bất ngờ nổi nóng, còn khi tôi thận trọng dẫn dắt câu chuyện đến việc mất áo thì ông tỏ ra hoàn toàn bối rối. Ông cầm tay tôi và dẫn vào phòng đợi, nơi trong chiếc ghế bành cũ kỹ chắc là đã có ở đây từ đầu thế kỷ, tôi nhìn thấy một gói to bọc giấy.
“ Đấy – Nhà phẫu thuật vĩ đại nói với một vẻ hết sức ngượng ngập – Ông cụ mang tới tồi đi ngay. Cậu hiểu không, đến cả quân hàm và cúc áo – Rồi thậm chí dây nữa – Ông chỉ chiếc phong bì – cả tiền công may. Tôi đâm ra băn khoăn quá, chiếc áo của tôi dù sao cũng đã mặc nhiều rồi”.
Tôi đã ngạc nhiên không kém, nhưng giấu được điều ấy và thuyết phục “ Nhà phẫu thuật vĩ đại” rằng chẳng có gì sai trong chuyện này cả. Sáng hôm sau cũng như mọi khi, tôi đến Viện. Người đầu tiên tôi gặp là cụ Antônhêvích. cụ đứng ở chỗ mọi khi của mình, tựa khuỷu tay lên mặt gỗ lát và nhìn thẳng về phía trước không hề chớp mắt. Cụ gật đầu chào tôi và quay đi phía khác. Tôi hiểu tại sao. Cụ không muốn nghe bất cứ câu hỏi nào. Đưa tiền cho cụ bây giờ chắc chắn là vô ích. Cụ sẽ không bao giờ nhận. Biến cố ấy xảy ra giữa cụ và Nhà phẫu thuật vĩ đại, và chỉ liên quan đến hai người thôi. Mọi người đều hiểu điều ấy. Người ta đồn rằng chỉ trong mỗi ngày cụ Antônhêvích đã tiêu hết sạch số tiền tiết kiệm dành dụm suốt đời. Rất có thể như thế.
Trường hợp thứ hai đáng nhớ lại xảy ra khoảng nửa năm sau khóa họp ấy. Trong thời gian này, nhiều thứ trong viện đã đổi thay. Nếu nhiệm vụ của khóa họp là để đạt tới sự đoàn kết nhất trí, thì chúng tôi đã phải trả giá quá đắt cho nó.Trước đây viện liên kết những người tuy suy nghĩ khác nhau nhưng cùng chung chí hướng, bây giờ thì bên trong mọi người lại chia rẽ sâu sắc. Vđôvin mạnh thế hẳn lên. Chẳng bao lâu sau hắn trở thành thư ký khoa học của Viện. Tại các buổi họp của hội đồng khoa học hắn thường tỏ vẻ chủ nhân và đôi khi còn dám ngắt lời cả UxpenXki. Uxpenxki không thể thích điều này được, và chắc ông đã tiếc không cẩn thận để cho con quỷ ấy chui ra khỏi hũ.
Vđôvin đã gạt bỏ được khỏi Viện những kẻ vướng bỉnh nhất và bắt những người khác câm lặng> Người ta không cho Lliusa bảo vệ luận án và cậu ta buộc phải rời khỏi Viện. Tôi không nghi ngờ rằng Vđôvin sẵn sàng gạt cả tôi ra - Nhưng tôi lại có đến hai lớp bảo vệ: Quân đội và Uxpenxki. Vđôvin hiểu điều đó và tạm thời không động đến tôi. Bởi thế hắn càng tấn công cụ Antônhêvích điên cuồng hơn.
Sự thù ghét con người cũng đi những con đường lắt léo như tình yêu. Tại sao một người giữ mũ áo nhỏ bélại khơi lên cơn giận dữ như thế của một thư ký khoa học quyền thế. Chẳng nhẽ Vđôvin nhớ được cái nhìn khinh bỉ của cụ? Có thể thế . Cũng có thể là hắn ta muốn trốc tận rễ những hồi tưởng về quá khứ của Viện, về tất cả những gì đáng yêu, thân thuộc và thoải mái còn giữ lại được trong phong cảnh và tập quán của Viện? Nhưng ở đây lưỡi phảng đã đập vào đá. Uxpenxki không bỏ rơi cụ già.
Tại một trong những phiên họp thường kỳ của chủ nhiệm các phòng thí nghiệm , như mọi khi diễn ra trong phòng giám đốc, khi mọi người đã chuẩn bị ra về, bỗng nhiên Vđôvin đứng dậy. Hắn hỏi rằng lãnh đạo Viện có biết hay không về việc cụ Antônhêvích lợi dụng danh hiệu của Viện để kê đơn bốc thuốc ở nhà và truyền cho người khác những lời khuyên liên quan đến việc kéo dài tuổi thọ.
Một ai đó bật cười còn những người khác thì im lặng. Lòng căm thù của thư ký khoa học đối với cụ già giữ mũ áo lúc bấy giờ đã không còn giấu được ai. Mọi người đều biết rằng cụ Antônhêvích khi đi nghỉ về có mang theo những cây cỏ gì đấy để phơi và uống, nhưng không ai để ý chuyện đó lắm. Tôi nhìn Uxpenxki . Ông ngồi sau chiếc bàn lớn bằng gỗ bạch dương Caren của mình, người rất thẳng, đầu ngẩng cao, đôi mắt như bị bạc màu, nhìn với vẻ mệt mỏi và lạnh lùng. Sau nhiều năm tôi đã học được cách đoán tâm trạng của ông không những qua nét mặt mà còn theo chiều cao của những chồng giấy mà trên bàn ông. Khi từ hai phía bàn chất đầy những đống tạp chí chưa đọc, những bản luận án chưa xem qua và những biên bản tốc ký chưa chỉnh, điều đó có nghĩa là ông giám đốc không được thoải mái và không thiết làm một việc gì.

Tôi biết rằng Uxpenxki thích và biết cách uống rượu. Những lúc chè chén, ông bao giờ cũng đáng mến và vui vẻ. Trong Viện không ai nhìn thấy ông say bao giờ, nhưng hai ba năm gần đây cứ khoảng ba tuần một lần ông bỗng nhiên biến mất một vài ngày. Tất nhiên đấy có thể là một chuyến công tác hay một việc nhà nào đấy không thoái thác được, nhưng có thể thấy sau mỗi chuyến mất tích như vậy ông quay về không ai nhận ra: làm cao quá mức, hay nghi ngờ và thích đùa hiểm. Những người tinh ý có thể nhận thấy rằng , trước mỗi lần biến mất ông cũng có vẻ tỉnh táo khó chịu như vậy. Tôi nhớ ông đúng như thế vào ngày hôm ấy. Nghe Vđôvin nói xong. Uxpenxki nhíu mày, và sau khi im lặng một lúc lâu, làm mọi người không hiểu ông có định trả lời hay không, ông buông ra một tiếng .
– Vớ vẩn. Vớ vẩn ấy à? Thế thì cho phép tôi được đọc…
– Và không đợi cho phép. Vđôvin đọc hết bức thư. Một ông già tốt bụng nào đó ở thành phố Vêxiôgônxk cám ơn đồng chí Antônhêvích về những lời khuyên hết sức có ích, và nhân dịp này chúc Viện chúng tôi đạt nhiều thành tích trong sự nghiệp cao cả của mình. Bức thư đã gây nên những nụ cười và những nhận xét chế diễu.
Viện phó khoa học Piotrơ Pôtrôvich Pôlônxki nói rằng cuối cùng ông ta đã hiểu, tại sao cụ Antônhêvich lúc nào cũng đứng cạnh cửa phòng họp. Còn cô Bêta thông minh, lúc bấy giờ đã là tiến sĩ và là người trợ lý tin cẩn nhất của Uxpenxki, thì lại phá lên cười. Tôi thường rất ngạc nhiên, cô nói, tại sao trong số cán bộ của Viện, những người sẵn sàng đi đến Apkhazia xa xôi để tìm gặp những cụ già sống lâu, lại không có một ai nghĩ đến chuyện khám phá bí quyết về sức khỏe và khả năng làm việc hiếm có của một người ở ngay bên cạnh? Bây giờ Vđôvin mới rút bức thư thứ hai ra Một lão già độc địa nào đấy thông báo cho Đảng Ủy của Viện biết rằng, khi thực hiện đều đặn trong vòng 1 năm những chỉ dẫn của công dân Antônhêvich, ông ta người ký dưới đây, ( Chữ ký rất tháo) khẳng định rằng, ông Antônhêvích chính là một kẻ lừa đảo, vì tác giả bức thư không hề quan sát thấy một sự trẻ lại nào trong cơ thể, mà ngược lại thường bị chóng mặt buồn nôn vào buổi sáng. Lúc này một trong những kẻ hòa xướng của Vđôvin đứng dậy la ó ầm ĩ. Như thể đây chẳng phải là chuyện đùa, uy tín của viện đang bị đe dọa đánh đổ, cần phải lập một ủy ban để điều tra. Tôi lại nhìn Uxpenxki. Trên khuôn mặt ông vẫn là một sự khó chịu bị nén xuống một cách khó khăn, nhưng khi người ta nói về chuyện lập ủy ban, ông linh họat hẳn lên và trong đôi mắt lờ đờ của ông xuất hiện một tia sáng nguy hiểm quen thuộc, có thể trong một khoảnh khắc lại biến vị Viện sĩ trịnh trọng thành một anh chàng gầy nhom mặc áo capốt kỵ binh lụng thụng ngày xưa. Ông gọi điện thoại.
– Ôlia – Ông nói với Ônga Sêlêpôva đang đi vào
– Mời cô mời hộ cụ Antônhêvích vào đây. Ônga, một thư ký mẫu mực đã quen hiểu sếp từ nửa câu nói, lần này phải mất một lúc mới nghĩ ra ông ta nói về cái gì.
– Không cần phải ủy ban nào hết, Uxpenxki tuyên bố và cười khẩy một cách gay gắt
– cần phải làm mọi thứ một cách đơn giản. Một phút sau thân hình chắc nịch của cụ Antônhêvích xuất hiện ở cửa vào phòng giám đốc. Cụ già vẫn bình tĩnh như mọi khi, và chỉ sau lúc Uxpenxki mời cụ đến gần và ngồi vào một trong hai chiếc ghế bố đặt sát bàn giám đốc, cụ mới hơi tỏ ra đề phòng.
– Cụ Antônhêvích hết sức kính mến- Uxpenxki nói- Chúng tôi có nghe những tin đồn rằng cụ hành nghề chữa bệnh ở nhà và cho người khác những chỉ dẫn về các vấn đề gần với nội dung nghiên cứu của Viện chúng ta. Về nguyên tắc tôi không có gì phản đối, nhưng nghĩa vụ buộc tôi phải nhắc cho cụ rằng, là cán bộ công nhân viên của Viện ta, cụ cũng như mọi người phải tuân theomột quy chế chung cấm áp dụng các phát minh của mình khi chưa được sự đồng ý của Hội đồng khoa học. Cụ Antônhêvích ngồi trong chiếc ghế bố , không hề động đậy mà chỉ hôi nghiêng đầu. Ông cụ không lắng nghe, không lường hết những lời ấy, cũng không lĩnh hội sự hài hước chứa trong chúng. Nhưng cụ phân biệt hết sức chính xác những nụ cười nửa miệng được giấu trên tất cả các khuôn mặt- Ở người này là sự độc địa, còn ở người khác lại là nỗi ngượng nghịu. Chưa bao giờ người ta mời cụ đến các cuộc họp của giám đốc và cụ lập tức nghi ngờ về một trò xỏ xiên. Uxpenxki là người duy nhất cụ cho phép đùa cợt với mình, nhưng cũng rất thận trọng và hãn hữu, chỉ khi nào không có ai khác. Bởi vậy cụ lặng yên, hệt như đang ngái ngủ, như thể người ta không nói về cụ mà về một người nào khác.
– Đừng có giả vờ ngây ngô nữa, ông Antônhêvích! Vđôvin nói
– Ông hãy nói thật, ông có chữa bệnh cho người ta không? Cụ Antônhêvích bừng tỉnh khi nghe thấy giọng lưỡi quá quen thuộc ấy. Tôi chữa đấy thì đã sao nào?
– Cụ giận dữ nói
– Tôi không chữa bệnh như các anh đâu. Tôi chưa làm hại ai bao giờ. - Song người ta lại phàn nàn về cụ - Uxpenxki khó chịu lầm bầm. Ông khó chịu vì hiểu rằng màn kịch ông dựng lên đã thất bại. Chắc là ông định biến tất cả thành chuyện đùa và bằng một phát đạn bắn chết hai thỏ cùng một lúc: Trêu cụ Antônhêvích một tí và nhắc khéo cụ hãy cẩn thận, đồng thời biến Vđôvin thành trò cười cho thiên hạ. Nhưng tuy ông biết rõ hai người mà không lường hết chiều sâu của mối hận thù giữa hai bên. Cụ già đứng dậy khỏi ghế.
– Tôi biết người nào kêu ca - Cụ vừa nói vừa cười khẩy. Một thằng cha trống rỗng, đồ nát rượu. Hắn xin tôi thêm cỏ thuốc nữa, nhưng tôi không cho…Sau đó cụ nhìn thẳng vào Uxpenxki.
– Chỉ nên uống vừa thôi Paven Đunitrêvích ạ!
– Cái gì – l? – Chả có gì cả. Chỉ thế thôi. Người nào cứ nốc mãi Vốtka vào thì thuốc thang cũng chỉ bằng thừa. Cụ phẩy tay và đi ra phía cửa, vừa đi vừa cởi chiếc áo choàng ra, và tôi thấy viện sĩ Uxpenxki đứng bật dậy khỏi ghế, chỉ còn một chớp mắt nữa thôi chắc là ông đã chạy theo người giữ mũ áo. Ngày hôm sau lần đầu tiên trong lịch sử viện chúng tôi, cụ Antônhêvích không đi làm. Cụ bị ốm và nằm nhà suốt một tuần. Tôi biết rằng vợ chồng Uxpenxki có đến thăm cụ. Tại cuộc họp tiếp đó, Uxpenxki đã trở lại trạng thái bình thường. Cặp mắt sáng sủa, giọng nói âm vang. Tôi báo để đồng chí Vđôvin biết
– Ông nói khi mọi người đã đứng dậy ra về. Tôi cùng với Bêta đã lĩnh trọng trách tìm hiểu việc chữa bệnh tư của cụ Antônhêvích và không tìm thấy một nhân tố phạm pháp nào cả. Những thứ cỏ thuốc cụ cho người khác và tự mình uống hòan toàn thuộc loại vô hại và nên nghe theo những lời chỉ dẫn của cụ ấy. Chúng ta khinh thường dược học cổ truyền một cách phi lý – Chính nó đã chống lại bệnh xơ cứng động mạch trước khi các ngài bác học nghĩ ra thuật ngữ ấy. Mà này tại sao đấy lại không là đề tài luận án, được quá đi chứ? Ông đưa mắt tìm Vđôvin và mỉm cười với hắn
- Nhận đi, đồng chí Vđôvin. Một việc nhiều triển vọng lắm đấy, như người ta nói là một mạch vàng! Ông nói điều ấy với một vẻ thân thiện tự nhiên đến nỗi khó ngờ được rằng đấy là một câu xỏ. Rồi cũng có vẻ thật tình như thế, ông làm như sực nhớ ra:
– Xin lỗi thế mà tôi quên mất, đồng chí bảo vệ mất rồi cơ mà!
– Đó là một mũi tên tẩm thuốc độc hoàn toàn đúng kiểu Uxpenxki, thứ thuốc độc ngấm từ từ. Lần này thì màn kịch được diễn một cách hòan mỹ. Toàn giới bác học đứng nghe về sự phục hồi của cụ Antônhêvích, còn Vđôvin, cũng đang đứng thì đã nhận một đòn vào giữa mũi.
– Chuyện thứ ba xảy ra vào thời kỳ gần đây của Viện ngay sau lúc công bố nghị quyết đại hội Đảng lần thứ 20. Cuộc họp đảng bộ đã diễn ra trong hai ngày liền, những người trước đây im lặng lúc này đã nói ra tất cả, những kẻ lắm lời bây giờ lặng thinh. Đó là một cuộc họp kín và cụ Antônhêvích chỉ có thể lắng nghe từ xa những giọng nói đầy xúc động vọng lại từ phòng họp. Vđôvin và những kẻ hòa xướng của hắn đã đến lúc phải trả giá cho sự đắc thắng của chúng. Chúng đã bị buộc tội thẳng vào mặt là đã hành hạ cán bộ khoa học, là đồ dốt nát, chính chúng đã đầu độc bầu không khí của Viện và ném Viện ngược trở lại mười năm. Uxpenxki không dự họp, hai ngày trước đó ông bay đi Praha dự một hội nghị nào đó. Vđôvin tỏ ra rất tự trọng, hắn thừa nhận lỗi lầm của mình, nhưng không đập đầu xin ăn năn hối cải như các đối thủ của mình trước đây, khi họ tự phê phán và từ bỏ những quan điểm đúng của mình. Hắn không hề viện đến Uxpenxki một lần nào. Có ý kiến đòi đuổi khỏi Đảng. Nhưng đồng chí Bí thư Đảng ủy lúc ấy đã phát biểu nói rằng không nên lẫn lộn việc thảo luận những nghị quyết cơ bản với việc đánh giá cá nhân Đảng viên và mọi người đều đồng ý. Không nói cũng biết rằng Vđôvin sẽ đi khỏi Viện, mọi người đều cho thế là phải. Giữa những ngày nóng bỏng ấy, không một ai nhớ đến cụ Antônhêvích. Nhưng cụ già biết cách làm người ta chú ý đến mình. Vào ngày thứ hai, trong hành lang cuộc họp đã xuất hiện một tin giật gân, trong thời gian ngắn đã làm lu mờ những biến cố tầm cỡ hơn nhiều.
– Cụ Antônhêvích cưới vợ! Ban đầu tôi không tin: lấy vợ gì khi đã gần tròn tám mươi! Nhưng những tin đồn đã được xác nhận. Ở quỹ tương trợ người ta nhận được một đơn xin vay tiền. Trong đơn có viết rõ ràng giấy trắng mực đen: “ nhân dịp tổ chức lễ thành hôn”. Mấy ngày sau Uxpenxki bay về. Ông là người duy nhất có thể biết được trực tiếp những gì đang xảy ra với cụ già. Câu chuệyn về điều quan trọngnhất đã không thành, nhưng chúng tôi có ngồi lê đôi mách chút ít về cụ già. Uxpenxki xác nhận đúng, cụ ấy lấy vợ. Ông còn nói thêm những chi tiết cụ thể. Cô dâu mười bảy tuổi. Một cô bé tóc trắng, người vùng Pase. Ủy ban không cho đăng ký. Đành phải gây áp lực. Này, Paven Đmitrivich, nhưng đây là một chuyện điên rồ…tôi nói.
– Điên rồ à – Ông hỏi lại- Tại sao lại điên rồ?
Ngay bên cạnh ta còn diễn ra những biến cố kỳ quái hơn nhiều, mà tôi với cậu còn không thấy ngạc nhiên! Năm tháng rưỡi sau ngày cưới, vợ cụ Antônhêvích sinh được một đứa con trai. Mấy hôm liền người ta nói về chuyện ấy. Ai đó ngạc nhiên, ai đó phê phán, ai đó gật đầu có vẻ thông cảm, và sau đó mọi người lắng xuống. Trong sân Viện người ta đã quen nhìn thấy một cô bé làm mẹ, trắng trẻo, đẩy xe nôi dạo chơi. Và có nhiều người ghé mắt trông xuống dưới mui che, họ tìm thấy trong cái nhìn đăm đăm không chớp mắt của đứa bé mũm mĩm một nét gì đó hao hao giống cụ Antônhêvích. Đến mùa xuân cô bé về quê và không quay trở lại nữa.
------------------------------------------------------------------------------------------

(1) Exhibitionisme.
(2) Lamáck (1744-1829): Nhà sinh vật học Pháp, khởi xướng thuyết tiến hóa của sinh vật.
(3)Nhân vật Gôgân trong truyện " Chiếc áo khoác"
-------------------------------------------------------------------------------------------------
3. TRIPÊ CỘNG XN.
Một ngày nữa trôi qua, hôm nay tôi có khách mới. Lần này Xergây Nhicôlaiêvích anmazopđích thân đến thăm túp lều ẩn dật của tôi. Xergây Nhicôlaiêvích là viện phó hành chính quản trị đồng thời là cánh tay phải của Uxpenxki. Hiện nay cánh tay ấy cảm thấy bị cắt rời khỏi cơ thể và chính đó là lý do của chuyến viếng thăm bất ngờ này.Xergây nhicôlaiôvích đến lấy chữ ký của tôi vào điếu văn viếng Uxpenxki, nhưng đó chỉ là cái cớ, vì người ta hoàn toàn có thể ký thay tôi. Trong khi tôi đọc điếu văn, Xergây Nhicôlaiêvích đi đi lại lại trong nhà. Căn hộ này ông ta biết rất rõ, nhưng ông ta lại cảm thấy một nỗi khoái trá trong tiềm thức khi có thể dạo bước từ phòng làm việc cho đến bếp, sờ tay vào những giá sách mới và nhìn buồng tắm với con mắt chủ nhân. Trong lúc đó khuôn mặt của ông trông có lẽ giống Rôfeolơ-bố, khi tay tỷ phú này đi thăm phòng triển lãm tranh mà y tặng cho thành phố. Anmaxốp thành thật tin rằng chính ông tặng tôi căn hộ này, và nếu không nhìn nhận một cách câu nệ thì điều này có lẽ gần với sự thật. Tôi chịu ơn ông ta về căn hộ này, còn ông ta thì chịu ơn tôi về sự xuất hiện của mình trong Viện. Tôi và Xegây Nhicôlaiêvích quen nhau đã lâutừ hồi còn ở ngoài mặt trận, tuy khó gọi chúng tôi là bạn bè gần gũi, nhưng chúng tôi lại được cái gắn bó chặt chẽ với nhaubằng một vài hồi tưởng chung và tình cảm biết ơn, khúc xạ qua lăng kính riêng của mỗi người. Để có thể hiểu rõ quan hệ không đơn giản giữa hai chúng tôi, cần phải quay ngược trở lại cái quá khứ chẳng xa xăm gì nhưng chứa đầy biến cố, và tôi sẽ làm điều này bao giờ có dịp. Còn bây giờ thì tôi đang đọc điếu văn.Một điếu văn như một bức điếu văn khác, được viết nên bằng một ngòi bút kinh nghiệm. Đầy lòng hy sinh cao cả. Khiêm tốn và ân cần. Chính phủ đánh giá cao công lao của người quá cố. Quả là nhiều huân chương. – Chính phủ không đánh giá cao công lao của người quá cố nên chỉ tặng cho ông có… Tôi đọc thành lời. Xegây Nhicôlaiêvích, lúc này đã hoàn thành việc thị sát cơ ngơi của tôi, giật mình và cười một cá`ch miễn cưỡng. – Đồ du côn. Thảo nào người ta tống cổ cậu ra khỏi hàng ngũ các tướng…- sau đó ông thở dài – Thế đấy – anh bạn ạ. Một câu nói đối với lỗ tai người ngoài cuộc không hề chứa một nộii dung nào, nhưng tôi nắm bắt được trong đó một hàm ý sâu xa. Đó là nỗi bi ai( hòan toàn thành thật) và sự đánh giá cao người quá cố, đó là sự thừa nhận cái phức tạp của những vấn đề đặt ra, thậm chí có cả sự gợi ý về kiếp phù du của mọi thứ trên đời và nhiều nỗi khúc mắc của những con đường nào đấy, sự gợi ý mà ông chỉ cho phép mình diễn đạt dưới dạng che đậy như thế. Sau khi trao đổi vài câu đối thoại cũng cô đúc như vậy, chúng tôi bước vào giai đoạn sau đây: – Thế nào có những dự đoán gì? – Chà, mọi sự là ở đấy. Thường thì Xegây Nhicôlaiêvích thông thạo hơn tôi nhiều về những chuyện bổ nhiệm hay thuyên chuyển. Những dự đoán của ông thường đúng hơn của tôi nhiều. Nhưng hôm nay rõ ràng ông ta cảm thấy lúng túng và không những không tìm cách mở mắt cho tôi, mà không hiểu tại sao lại còn ngờ rằng tôi biết nhiều hơn. Chả hay ho gì, nhưng tôi tự nhiên đâm ra muốn trêu ông ta, và tôi buông ra một câu uể oải: – Còn dự đoán gì nữa đã có ông phó. Phó ( ông cũng là Ắcxacan(1) cũng là Mexir tripê) – là biệt hiệu của Viện phó khoa học Piôtrơ Pêtrôvích Pôlônxki. Ai đó kể lại rằng vợ Piôtrơ Pêtrôvích, bà Zôia Rômanôpha, khi nói về chồng đã không gọi ông là viện phó mà là phó Viện trửơng. Mọi người đều cảm thấy tức cười, và biệt hiệu ấy ra đời. Anmazốp nhìn tôi bằng đôi mắt tròn xoe vì bất bình. Sau cặp kính, hai nhãn cầu của ông có vẻ như trồi ra khỏi hốc. Cuối cùng ông phát ra một tiếng biểu thị sự khinh bỉ sâu sắc. Và chỉ sau khi ngừng một lúc, ông mới nói: – cậu bảo sao- Thật đấy chứ? Khinh bỉ gì thì khinh bỉ, nhưng từ đó đến nỗi lo sợ chẳng còn bao xa. Bản chất của nỗi lo sợ ấy tôi hiểu rất rõ. Xecgây Nhicôlaiêvích là một cán bộ đắc lực, ông ta có tất cả mọi hy vọng giữ vững được vị trí của mình, chỉ trừ một trừơng hợp phải nói là có xác suất thấp, đó là việc Piôtrơ Pêtrôvich Pôlônxki có thể trở thành Viện trửơng. Đáng lẽ phải được liên kết chặt chẽ bởi lòng trung thành vô điều kiện và không nghi ngờ dao động đối với sếp, nhưng có vẻ như chính điều đó đã chia rẽ họ. Mỗi người trong họ đều coi mình là Viện phó chân chính của Uxpenxki, nhưng không hiểu rằng Uxpenxki không bao giờ chịu nổi một ông phó thật sự bên cạnh mình, nghĩa là một người có quyền quyết định, ông ta chỉ cần các trợ lý có thể giải phóng ông khỏi những việc ông không thích; ông không muốn ký vào các giấy tờ dính dáng đến tiền nong – bởi thế ông cần có Anmazốp, người làm công việc này với lòng say sưa; ông không thích lễ nghi long trọng – vì vậy ông đánh giá cao Piôtrơ Pêtrôvích, vì ông này có mẽ ngoài bệ vệ, với dọng nói trầm đục, ông ta thích hợp hơn cả trong việc đề nghị chương trình nghị sự và thành phần chủ tịch đoàn, theo dõi thời gian phát biểu hoặc đọc dự thảo nghị quyết. Vì những điều đó Uxpenxki sẵn sàng gọi các trợ lý của mình là Viện phó và trả lương cho họ cao hơn so với chủ nhiệm các phòng thí nghiệm. Có ai đó trong đám nghiên cứu sinh giễu cợt rằng nếu Pôlônxki có gia huy, chắc chắn trên gia huy ấy sẽ có viết một phương châm “ Nihil disputandum”- “ Tôi không tranh cãi với ai” Một cậu nghiên cứu sinh khác ( bọn nghiên cứu sinh là thế đấy) lại bảo rằng Piôtrơ Pêtrôvích là cái mũ người ta bỏ trên ghế để chiếm chỗ. Phó là một người không hay để bụng, nhưng Anmazốp lại rất hay xâm phạm đến lòng tự trọng của ông ta – Ngay cả chiếc ô tô con của Viện trưởng. Piôtrơ Pêtrôvích cũng không có quyền sử dụng mà phải xin phép Xergây Nhicôlaiêvích – bởi thế nên chắc chắn là chỉ một ngày sau khi Piôtrơ Pêtrôvích nhận chức Viện trưởng, Avnazốp buộc phải từ bỏ phòng làm việc hiện nay của mình. Quan hệ giữa hai người đã từ lâu được hiển thị bằng công thức 3P + XN = alpha , đọc là “Tripê cộng Iex En” phần thứ nhất của vế trái có thể dễ dàng đoán được, còn phần thứ hai thì có lịch sử của mình.Khi Abnazốp trở thành viện phó, việc đầu tiên ông làm là bắt vít vào cửa phòng làm việccủa mình một chiếc biển bằng thủy tinh lớn có dòng chữ: “Anmazốp XN”. Những biển chữ như thế, đặc biệt với tên riêng và tên cha đặt sau họ, trong viện chúng tôi không ai dùng bao giờ và được coi là biểu hiện của sự thô thiển. các cậu Nghiên cứu sinh vô lễ lập tức đọc XN thành một hợp chất hóa học Icx En, chính biệt hiệu này đã sinh ra từ đó. Dấu hiệu alpha nhỏ dùng để ký hiệu annihilation hay là sự tiêu vong. May thay cho Anmazốp, Pôlônxki không những sẽ không lên chức Viện trưởng mà còn chắc gì đã giữ được ghế viện phó. Không nghi ngờ gì nữa, Viện trửơng mới sẽ tìm được chiếc mũ khác để đặt trên ghế chiếm chỗ khi ông ta vắng mặt. Phó là một người không độc địa, không đần và rõ ràng là có học thức, nhưng ba phải, đến mức chỉ có thể nói đến chức Viện trưởng của ông để trêu Anmazốp mà thôi. Tôi thấy ngượng. – Đừng nghe tôi nói, tôi chẳng biết gì về những chuyện ấy đâu. – Thế theo anh thì là ai nào? Anmazốp không trả lời ngay. Ông suy tư. Khi Mác Plank (2) đi tìm hằng số của mình, chắc ông cũng không thể đăm chiêu hơn Acmazốp bây giờ. Sau đó ông thốt lên: – Không thiếu các lão tướng được điều tới đây đâu. Tôi cố lắm mới nén được cười. Anmazốp hình dung một cách khó khăn, thậm chí không thể chịu nổi khi nghĩ rằng, có một ai đấy trong số các tiến sĩ trong Viện, những người vẫn thừơng tóm lấy Anmazốp trong hành lang và đợi hàng giờ trước cửa phòng làm việc của ông với những nguyện vọng và nhu cầu bất tận của mình, lại có thể đột nhiên dời chỗ từ cái lồng bé xíu của mình đến căn phòng lớn nhất có bàn ghế bằng gỗ bạch dương Caren và những pho tượng bán thân của các ông tổ môn sinh vật học hiện đại, và sẽ nói với ông “ mời vào” , sẽ xạc ông về chuyện thiếu súc vật thí nghiệm. Pôlônxki thì thậm chí đến mơ được như thế cũng chẳng dám. Còn một “lão tướng” nào đấy thì lại chuyện khác - Đó phải là một người từng kinh qua chức giám đốc ở một Viện nào khác, một Viện sĩ hay một bộ trưởng sa cơ lỡ vận nào đấy, phục tùng một người như thế chẳng lấy gì làm ân hận lắm.
Anmazốp hãy còn lưỡng lự, không biết có nên chia sẻ với tôi những dự đoán bí mật của mình hay không thì bỗng nhiên tiếng chuông réo lên làm cả hai chúng tôi đều giật mình. Tôi giật mình vì không hẹn ai cả, còn Anmazốp thì vì đã tính rằng sẽ nói chuyện với tôi không có ai chứng kiến. Tôi bước vội ra mở cửa và phải giật lùi lại vì ngạc nhiên. Trước mặt tôi là Piốtrơ Pêtrôvích Pôlônxki. Theo cách ông lau giầy cẩn thận, tôi đoán rằng ông đi từ tàu điện ngầm đến, còn từ bến ô tô vào đấy thì đi bộ. Tôi nhận từ tay ông một chiếc mũ rơm có thắt băng quanh chỏm. Trong cái mũ rơm này trông ông giống lạ lùng một ông già vẽ trên nhãn một loại rượu của Anh “ Entra Dry”. Cũng bộ mặt đỏ với bộ râu cằm trắng được chăm chút cẩn thận, cũng điệu bộ trịnh trọng ấy. Ông xin lỗi một cách hơi quá cường điệu về sự xuất hiện không báo trước của mình, và tôi thì tìm mọi cách làm cho ông thấy rằng đối với tôi đây là một sự bất ngờ thú vị. Pôlônxki đã mở miệng định diễn đạt thành lời mục đích chuyến viếng thăm của mình, nhưng đúng lúc ấy nhìn thấy Amazốp, ông bất bình đến nỗi hầu như mất khả năng phát âm. Anmazốp có vẻ như biết lỗi, nhưng nhìn lấp lánh trong cặp kiếng của ông ta, tôi hiểu rằng ông đang cố nâng mình đến ngang tầm lẽ phải. Trong một phút im lặng căng thẳng tiếp theo đó, tôi đã dễ dàng đoán ra những gì nữa xẩy ra chỉ trong vòng một tiếng hoặc tiếng rưỡi trước đó. Pôlônxki muốn đến gặp tôi và yêu cầu Anmazốp điều ô tô. Anmazốp về phần mình cũng định đến chỗ tôi nên đã từ chối. Pôlônxki cho rằng điều trần trứơc Amazốp về lý do cần ô tô là một việc làm hạ thấp tính tự trọng, còn Amazốp thì tung hỏa mù rằng cấp trên gọi ông ta lên, và Pôlônxki, người luôn luôn sùng bái cấp trên, đành phải rút lui. Có thể hình dung được không khó khăn gì cơn thịnh nộ của Pôlônxki khi thấy rằng “cấp trên” ấy lại chính là tôi. Cần phải đánh giá đúng mức sự nhẫn nại thượng lưu của Pôlônxki. Ông ta không hạ mình đến mức phải thanh minh, và làm như không nhận thấy Anmazốp, ông gợi tôi nói chuyện về Pari, nơi ông đã có đến ngay từ hồi năm hai mươi, một câu chuyện mà Anmazốp, người chưa từng ra nước ngoài, không thể nào tham gia vào được. Sau đó như chợt nhớ ra, ông kéo từ chiếc cặp vừa mang đến cùng bức điếu văn ấy ra, và tôi lại ký vào đó lần nữa. Cuối cùng ông trịnh trọng – nhân danh và theo đúng nhiệm vụ được giao – yêu cầu tôi một cán bộ lâu năm nhất của Viện đã từng làm việc với Paven Đmitriêvich đáng tưởng nhớ, phát biểu tại lễ truy điệu đúng ngày giờ sẽ được ấn định. Ông thấy tôi đồng ý , bèn đảo mắt nhìn qua tháp ngà tôi đang ở và hài lòng nhận xét về những giá sách và ngăn chứa thư mục đóng đúng như tôi vẽ kiểu, nhưng liền đó lại lưu ý rằng chỉ có sự khiêm tốn đặc biệt mà mọi người đều biết của tôi mới cho phép tôi bằng lòng được với cái gác xếp ngoại ô này. Ông ta cố tình nói điều ấy cho Anmazốp nghe, vì ông này tự coi mình là người ban ơn. Người ban ơn tím mặt vì tức giận nhưng chỉ lặng thinh. Lại một phút im lặng kéo dài. Có vẻ như Pôlônxki cũng muốn bàn luận với tôi về các dự đoán, nhưng tôi vắt óc mà không sao nghĩ ra, tại sao hai nhân vật đáng kính này lại chọn tôi, một người thơ ơ nhất đối với chuệyn ai sẽ ngồi trong phòng làm việc của Uxpenxki giữa những bàn ghế bằng gỗ sồi ngâm tẩm và gỗ bạch dương Caren, để bàn về chuyện này, cả hai đều tính rằng sẽ nói chuyện với tôi entre quatre yeux (3) và bây giờ thì đã rõ là sẽ không được như thế nữa rồi. Pôlônxki hiểu điều đó trước tiên và đứng dậy chào, và khi tôi giữ ông lại một cách không nhiệt tình gì cho lắm, ông trịnh trọng tuyên bố rằng, là một nhà khoa học, ông hiểu hơn ai hết rằng đánh cắp thời gian vàng ngọc của tôi là một tội lỗi. câu nhắc khéo rõ ràng đến nỗi Anmazốp cũng đứng dậy. - Anh đi đâu, vào Viện à? – Ông ta hỏi Pôlônxki. Pôlônxki không trả lời ngay. Như hiểu ông đang suy tính, có nên trả lời hay không. Sau đó ông thốt ra có vẻ phớt đời: - Không, về nhà. - Thôi được, ta cùng lên xe- Anmazốp nói một cách cương quyết. Đó là một bước dàn hòa. Nhưng Pôlônxki làm ra vẻ không nghe thấy. Và chỉ khi đứng trong chỗ nghỉ cầu thang (nơi tôi cầm chìa khóa dùng để gọi thang máy tiễn họ ra) ông ta mới nhớ lại: - Hình như anh vừa nói gì đấy phải không, Xergây Nhicôlaiêvich? - Tôi chở anh đến nhà- Anmazốp nói vẻ rủ lòng thương, Đến tận nhà! Pôlônxki nhìn ông ta với một sự ngạc nhiên được đóng kịch rất khéo. Và như thể cuối cùng đã nghe thủng được điều vừa nói, ông trả lời với một sự lễ phép đầy khinh mạn. - Ồ , anh đừng ngại, đi bộ thế này tôi thấy thú lắm. “Một-Không!”. Buồng thang máy lắp đầy gương sáng lóa, tiếp nhận hai người đàn ông đang muốn vặc nhau và tôi đóng sập lồng sắt lại, họ rơi tụt xuống, còn tôi thì chạy về nhà với bản chuyên luận của mình. Tôi không tập trung tư tưởng ngay được, những ý nghĩ của tôi cứ quay về hai người khách vừa rồi mãi. – có một cái gì đáng buồn và hơi ngu xuẩn trong chuyện hai người đáng ra không đến nỗi tồi đã phải mất nhiều sức lực tinh thần đến như thế để đầu độc cuộc sống của nhau. Tiễn xong hai người khách không mời mà đến, tôi một lần nữa lại lao vào công việc, nhưng vô ích, tôi như toa tàu chệch đường ray, và ngược với ý muốn, cứ nghĩ mãi về câu chuyện vừa rồi. Tôi muốn gọi hai người lại và không sợ phải quá lời mà khuyên họ rằng, thay cho việc cay cú và đoán mò, họ nên nghĩ về mối nguy hiểm lớn đang đe dọa Viện. Khi Uxpenxki còn sống, họ có thể yên chí mọi bề, nhưng sau cái chết của ông ta, mối nguy hiểm ấy đã có hình thù rõ rệt. Vào cuối năm ngoái có một vị khách quý đến thăm Viện chúng tôi, một người ngày trước đã chú ý đến nội dung nghiên cứu của Viện và biết Uxpenxki từ thời nội chiến. Ông ta còn vào thăm cả phòng thí nghiệm của tôi, chắc có lẽ vì hôm ấy tôi có làm một thí nghiệm lý thú, và Uxpemxki muốn chào hàng. Sau đó, trong phòng giám đốc đã diễn ra một cuộc nói chuyện thân mật, trong đó vị khách quý đã bày tỏ, dưới hình thức nhẹ nhàng, nửa như dò hỏi, một vài suy nghĩ về tương lai của Viện. Bản chất của suy nghĩ ấy có thể tóm gọn lại như sau Thủ đô đã có quá nhiều cơ quan khoa học, chắc sẽ không đến nỗi tồi nếu có thể chuyển Viện chúng tôi về đâu đấy, xa Matxcơva như người ta vẫn làm như thế. Một ý đồ nói chugn là lành mạnh, nhưng đối với Viện chúng tôi thì gần như không thể áp dụng được, mỗi người trong số đó có tôi, đều có thể tìm được những lý do xác đáng về mặt thực tiễn để phản đối, nhưng tất cả im lặng và trông chờ vào uxpenxki. Ngược với mọi dự đoán, Uxpenxki thậm chí không nghĩ đến chuyện chối từ, ông lảng tránh chuyện đó bằng những câu chẳng ràng buộc với cái gì cả, và sau đó khi tôi trách ông về sự thỏa hiệp khác thường ấy, ông chỉ cười: “ Chúng ta cần ngoại tệ. Cần nhiều lắm, tôi phát sợ khi phải nói là cần bao nhiêu! Khi xin tiền tốt hơn hết không nên gây chuyện. Còn về chuyện đời chỗ thì không lo, ông khách của chúng ta có nhiều việc quan trọng hơn. Cậu cứ thử xem, rồi đâu sẽ vào đấy!”. Thế nhưng mọi việc đã không phải đâu vào đấy. Có thể bản thân vị khách quý đã quên đề nghị của mình, nhưng trong số những nhân vật tùy tùng lại có những kẻ quá hăng hái nhiệt tình, và tôi biết đích xác đã có một ủy ban đầy uy tín đến vừơn Quốc gia Urzaêvô do Viện tôi đỡ đầu để thăm dò. Nhân tiện phải nói rằng khi tôi và Uxpenxki từ sân bay về, Anmazốp giữa những chuệyn káhc có nói gì đấy về một quyết định đang chuẩn bị thi hành, Uxpenxki biết không kém gì tôi rằng nếu quyết định ấy được chấp thuận thì đã qua 1muộn để có thể chống đỡ, và ông đã gạt đi chỉ vì ông biết rằng người ta sẽ không quyết định khi vắng mặt ông, và ông sẽ dễ dàng chứng minh được sự phi lý của việc di chuyển không lợi cho chúng tôi và cho cả vườn quốc gia. Về nguyên tắc tôi không chống việc phân tán các Viện nghiên cứu khoa học, nhưng phải biết rằng Urznêvô là một nơi xa xôi hẻo lánh, không đường xá không đủ những điều kiện tốt cho các phòng thí nghiệm của chúng tôi. Chúng tôi thí nghệim trên chó, chuột và chuột bạch, giới động vật phong phú của Vườn Quốc gia chẳng hề giúp ích gì được cho chúng tôi cả… Tất cả những ý nghĩ lo ấu ấy đè nặng lên bộ máy làm việc trí óc đã bị nỗi cô đơn dày vò của tôi, và thói quen tập trung tư tưởng được rèn luyện trong nhiều năm đã phản bội tôi hoàn toàn, tôi phá hỏng liền một lúc ba tờ giấy, và cuối cùng thất vọng, tôi gác bản thảo lại và đặt vào radiola chiếc đĩa hát yêu thích của mình. Đến gần tối, thần hộ mệnh của tôi xuất hiện. Epghênhia Ilinhisna là một người đàn bà đẫy đà, nhưng tôi không bao giờ nghe thấy tiếng bước chân của bà, tôi biết bà xuất hiện nhờ có tiếng mở khóa và khi thấy Mamađu bỗng nhiên linh hoạt hẳn lên. Bà lặng lẽ thu vén ngoài bếp, và chỉ khi làm xong mọi việc mới gõ cửa vào chỗ tôi để dọn phòng và đuổi tôi ra ngoài đi dạo. Sau đó tôi quay lại, thả Mamađu ra khỏi lồng, và cùng với Epghênhia Hinhisna ngồi uống chè. Khung cảnh đầm ấm như trong bức tranh một danh họa Hà lan nào đấy. Epghênhia Ilinhisna là một người đàn bà hoàn toàn vô học, nhưng trí thông minh tự nhiên và sự tế nghị của bà thì có lẽ đủ dùng cho cả một tá tiến sĩ khoa học, nói chuyện với bà hết sức thoải mái… Điều đáng ngạc nhiên nhất là tuy đã bảy mươi, bà không hề có chút bảo thủ đặc trưng cho lứa tuổi ấy. Bà có những quan điểm và thói quen chắc chắn, nhưng không giống phần lớn những người già khác, bà dễ dàng nghĩ được rằng có thể sống, xử sự và nhìn mọi việc một cách khác. Tôi biết rằng bà không đồng tình với sự tồn tại độc thân của tôi, và tiếc cho tôi đã không có con, nhưng tế nhị không nói ra. Nếu bà không đồng ý với tôi hoặc không hiểu một cái gì đấy, thì thường không cãi mà chỉ mỉm cười và nói “ việc của ông, ông có đầu óc riêng”. Bà đánh giá cao đầu óc của tôi, nhưng vị tất đã biết tôi làm những gì. Bà chỉ bướng bỉnh trong một việc: bà thích ăn uống và cho rằng tôi tự hại mình bằng cách nhịn đói. Bà khó chịu khi phải tiếp nhận việc ăn kiêngcủa tôi, làm tôi luôn phải cảnh giác: “ Bác Epghêsa, bác lại dùng nước thịt nấu súp phải không”? Epghênhia Ilinhisna không biết nói dối và tấm tức im lặng, nhưng không chịu nổi cái nhìn của tôi, bà bật thành lời: “ Trời ơi, chỉ chút xíu thôi mà, ai lại đi húp nước không bao giờ”. Bà còn có một điểm khác: bà biết rằng tôi là đốc tờ ( tiến sĩ) mà theo bà đốc tờ sinh ra để chữa bệnh. Dù tôi có giải thích như thế nào đi nữa rằng tôi là nhà sinh vật học chứ không phải bác sĩ, vẫn không làm sao làm bà thay đổi ý kiến được. Nhưng đó chỉ là những chuyện vặt vãnh. Bản thân sự việc tôi có tầhn hộ mệnh thời này đã là một quyền lợi lớn lao không những lý thú mà còn bổ ích. Banzắc đã đặt ra khái niệm “ sinh lý học của cuộc sống xã hội” Tầm hiểu biết của bà Epghênhia Ilinhisna hẹp hơn so với của Banzắc, nhưng nếu có môn học gọi là “sinh lý học của cuộc sống hàng ngày”, chắc là bà đã trở thành giáo sư. Vào lúc 11 giờ Epghênhia Ilinsna đi khỏi. Bà sống bên cạnh, ngay trong ngôi nhà nửa thôn quê có thể nhìn thấy qua cửa sổ. Các con trai, con dâu và cháu bà cũng sống ở đấy. Con cả là tài xế taxi, đứa thứ hai làm thợ cơ khí ở nhà máy, cả hai con bà đều có lương káh cao và giận mẹ rằng tại sao bà lại còn đi làm, ở nhà cũng đủ việc. Nhưng bác Epghêsa bán chắc vào chức phận coi thang máy của mình, bà muốn có tiền riêng và tiêu theo ý thích. Hơn nữa bà rất coi trong sự độc lập và không muốn để các cô con dâu cằn nhằn. Sau khi Epghênhia Ilinhisna ra về, tôi tự rải đệm nhưng ít hy vọng sẽ ngủ được… Tất nhiên tôi nghĩ về Bêta. Và không chỉ về tai họa giáng xuống đầu cô, như một ý nghĩ tự nhiên, mà còn về điều nữa, là bây giờ cô không còn bị ràng buộc… Ý nghĩ đáng hổ thẹn, và tôi xua đuổi nó đi.

4. BÊTA

Trong một cuốn sách cổ, tôi đọc thấy rằng con người, dù đàn ông hay đàn bà, chỉ là một nửa của một sinh vật nào đấy hoàn thiện hơn nhiều. Nửa thứ hai lạc đâu mất trong thế giới này, và hai nửa ấy suốt đời không ngừng hướng đến nhau, tìm cách kết hợp với nhau. Trên phương diện khoa học, quan điểm ấy khó đứng vững được trước sự phê phán, nhưng như mọi hình tượng nên thơ, nó có chứa một chút xíu sự thật. Cơ thể càng hoàn thiện hơn, càng có tính tuyển chọn cao hơn. Ở các động vật có vú cao cấp đã có mầm mống của sự “thích” và “không thích”. Homo sapiens ( con người thông minh) bản năng tính dục được cá nhân hóa một cách phức tạp và có thể dứt xa hẳn khỏi cơ sở sinh lý của nó. Và bây giờ đây, khi tôi viết những dòng chữ này, trong radio vang lên giọng trầm trầm của Mariô Del Mônacô. Ông ta hát khúc aria trong vở Itadamex. Cái gã Radamex này không hiểu vì sao lại cần cô ta binh người. Êtiôpi là Aiđa đến thế mà không đoái hoài gì đến nữ vương Amnêrix với giọng messcô xôpranô của nàng… Vêra Arendiepna thông minh, vợ trước của Uxpenxki, có lần nào đấy đã giãi bày tâm sự với tôi, mà như thể đùa bỡn, những lời hết sức buồn bã: - Ồ Ôlêch- bà nói- chúng ta phú cho tình yêu quá nhiều ý nghĩa. Văn chương quý phái đã dạy cho ta điều ấy. tất cả là vì họ xôi chán chê đấy thôi. Các văn sĩ tha hồ viết, trong lúc đấy thì những gã mugich lấy vợ mà không cần ra khỏi rìa làng, còn các cô gái ở khu lao động tìm ý trung nhân ngay trong phố. Thế mà người ta yêu nhau và có lúc hạnh phúc. Người ta còn sống chẳng có tình yêu cơ mà. Nhịn được nhau rồi sẽ thấy yêu nhau, dân gian đã nói thế. Một nhận xét khôn ngoan cũ kỹ, nhưng dù sao thì cũng khôn ngoan. Mà biết đâu được, chưa chừng tôi đã hạnh phúc hơn, nếu không lấy Paven mà lại đi làm vợ một tay kế toán nào đó… Vêra Arendiepna có cuộc sống đầy biến động, nên bà có không ít cơ sở để đùa một cách chua chát như thế, nhưng hôm nay khi bà đã an nghỉ, tôi cho rằng bà chắc chắn sẽ không bao giờ chịu đổi hạnh phúc khó khăn của mình để lấy sự bình lặng và cuộc sống gia đình đầy đủ. Về chuyện no xôi chán chè, thì chắc gì bà đã nói đúng. Kinh tế hành hạ không chỉ đân nghèo, trong các thành phần dư dật của xã hội cũng có những ngăn cấm và suy tính của mình, một thiếu nữ tư sản đi lấy chồng để không bị phân chia tài sản, và một hoàng tử bước vào một cuộc hôn phối môn đăng hộ đối, không hề cảm thấy mình tự do thoải mái hơn một tay mugich hay một cô gái nghèo khu lao động chút nào. Chẳng bao giờ tôi thấy ưa chàng công tử si tình Đơ Griê, nhưng từ thuở bé tôi yêu anh thợ rèn nhà quê cưỡi con quỷ bay đi tìm đôi hài cho cô Ôcxana của mình. Tất cả những trò nhản nhí này ( sử dụng thuật ngữ của người bạn thời trai trẻ Aliôsa Sutôp) tôi bày ra là để tự giải thích cho mình, tại sao trên đời này chỉ tồn tại một người đàn bà đối với tôi. Chỉ một, dù nhiều năm cô ta thuộc về người khác, dù trong đời tôi có nhiều người đàn bà khác và đôi lúc tôi cảm thấy sung sướng khi có họ. Nhưng chỉ cần người đàn bà ấy gửi cho tôi một vài dòng ngắn ngủi, là t6am hồn cằn cỗi của kẻ độc thân này lại xao xuyến đến không cưỡng được, như vào ngày đầu tiên gặp gỡ. Giữa ngày ấy và ngày hôm nay, đã là mười lăm năm đằng đẵng đầy lo âu và tranh đấu, nhưng tôi nhớ về ngày ấy rõ ràngsinh động như mới hôm qua đây thôi. Lúc bấy giờ tôi bước vào phòng làm việc của Uxpenxki- không phải phòng giám đốclớn ốp gỗ bạch dương caren, có thể chứa được đến ba chục người khi họp, mà chỉ là một căn phòng nhỏ bé đi thông được, đặt tại một hành lang xa nơi phòng thí nghiệm của ông ta bấy giờ chiếm chỗ, ở đấy ông có vẻ dễ gần hơn, và còn giống Paven trước đây. Uxpenxki đi ra đâu đấy, tôi chờ ông khoảng năm phút và có đến lần thứ một trăm ngắm nghía bức tranh “ malona Lisa”(4) in lại được đặt trong cùng một khung với bức ảnh con đười ươi cái đang cho con bú- một chứng cớ nói rằng vị viện sĩ bây giờ đã có một thời nghịch ngợm như thế nào. Từ căn phòng nhỏ bên cạnh, nơi đặt thiết bị thí nghiệm, vọng lại những giọng nói lao xao. Giọng đàn ông tôi nhận ra ngay, đó là Xlava, nhân viên thí nghiệm của Uxpenxki. Giọng phụ nữ tôi chắc chắn chưa bao giờ nghe- trầm và thậm chí hơi khàn, nhưng không thô thiển, chắc là dịu dàng thì đúng hơn và có vẻ như hơi ngái ngủ, không có những cung bậc lên xuống thường được người ta dùng để áp đặt những cảm xúc của mình cho người tiếp chuyện.
Theo như tôi hiểu, người đàn bà ấy đang giải thích cho Xlava cách cắt các ống thủy tinh dung thí nghiệm, chắc là giải thích khôn khéo.- Tôi nghe Xlava lên tiếng đồng tình một cách phục tùng- và tôi sửng sốt vì sự kết hợp giữa cái mềm mỏng và sự quyền thế, cô không ra lệnh mà chỉ yêu cầu, nhưng yêu cầu theo cách một người quen thấy ý định của mình được thực hiện. Uxpenxki trở lại, chúng tôi nói chuyện công việc, nhưng khi tôi bất giác tiếp tục lắng nghe, Uxpenxki nhận thấy điều đó, ông bật cười và gọi to:
- Bêta!
Một thiếu nữ cao, mặc áo thun đen chùm khăn voan bước vào. Cô có xinh không, tôi không kịp hiểu ngay, có lẽ đáng để ý thì đúng hơn. Khuôn mặt nhợt nhạt, gò má gầy, mái tóc sẫm cắt ngắn. Không một mảy may trang điểm, không một thoáng đỏng đảnh, nhưng không hề thuộc loại “gỗ đá”, ngược lại, đấy là một người đàn bà thực sự. Cô đưa đôi mắt nâu phớt nhìn Uxpenxki dò hỏi.
- Làm quen đi, Ôlêch- Uxpenxki nói – đây là Bêta, nghiên cứu sinh mới của chúng ta. Còn
cậu thì tôi không phải giới thiệu.- Cô ấy buộc phải biết.
Bêta mỉm cười, niềm nở nhưng dè dặt, và đưa tay cho tôi.
...

-------------------------------------------------------------------------------------

(còn nữa)
--------------------------------------------------------------------------------
(1) Ắcxacan: tên gọi kính trọng các bậc bô lão ở một số vùng Trung Á.
(2) Mác Plank: (1858-1947) Nhà vật lý Đức, người đặt cơ sở cho môn Vật lý lượng tử, được giải Nô-ben 1918.
(3) Chỉ hai người với nhau thôi( tiếng pháp)
(4) Bức tranh nổi tiếng thời Phục Hưng của Lêôna đơ Vinxi(Italia)
Còn nữa...